Tài chính quốc tế

Tư lệnh hải quân Anh tuyên bố điều thêm tàu chiến tới Biển Đông

Đô đốc Philip Jones nhấn mạnh Anh quyết tâm thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, bất chấp phản ứng của Trung Quốc.

Tư lệnh hải quân Anh tuyên bố điều thêm tàu chiến tới Biển Đông

Tàu đổ bộ HMS Albion của Anh tới Tokyo, Nhật Bản hồi tháng 8. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi sẽ làm vậy và sẽ đi qua vùng biển với những tàu có sẵn ở trong khu vực", Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Philip Jones khẳng định khi được hỏi liệu có tiếp tục triển khai tàu chiến Anh đi qua Biển Đông hay không trong cuộc phỏng vấn với Financial Times hôm 22/10.

Đô đốc Jones cho rằng Anh có nghĩa vụ "phô diễn" sự ủng hộ vật chất cho các đồng minh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chống lại việc Trung Quốc coi thường công ước quốc tế về luật biển.

"Nếu họ có cách diễn giải khác về công ước dành cho đa số quốc gia thì điều đó phải bị phản đối. Nếu không, họ sẽ ngay lập tức thấy rằng các nước trên thế giới cũng sẽ bắt đầu có cách diễn giải riêng của họ", tư lệnh hải quân Anh nói. 

Tàu chiến đổ bộ HMS Albion 22.000 tấn chở một đội thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh hồi cuối tháng 8 đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trước khi cập cảng Sài Gòn ngày 3/9.

Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Philip Jones. Ảnh: Defense.

Trung Quốc đã phái một tàu khu trục và hai trực thăng để thách thức tàu Anh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó ra thông cáo thể hiện sự tức giận khi cáo buộc chiến hạm Anh có hành vi "khiêu khích", "vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế", xâm phạm cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc".

Theo Đô đốc Jones, Anh vẫn tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc.

Hồi tháng hai, Ngoại trưởng Anh khi đó Boris Johnson tuyên bố tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ tiến hành tuần tra nhằm duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông trong chuyến hải hành đầu tiên vào năm 2021.

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012. Bắc Kinh đã xây dựng một đường băng dài 2.000 m cho mục đích quân sự, cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Xem thêm >> Từ vụ nhà báo mất tích, ông Putin nhắc tới sự ‘thiếu công bằng’ với nước Nga

Tin mới lên