Tài chính quốc tế

Từ vụ nhà báo mất tích, ông Putin nhắc tới sự ‘thiếu công bằng’ với nước Nga

(VNF) - Từ vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích, nghi bị ám sát tại Lãnh sự quán Arab Saudi tại Istanbul, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại vụ hạ độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal hồi tháng 3 tại Anh và ngầm ám chỉ rằng nước Nga bị đối xử thiếu công bằng.

Từ vụ nhà báo mất tích, ông Putin nhắc tới sự ‘thiếu công bằng’ với nước Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Không hề có bằng chứng nào liên quan tới Nga trong vụ hạ độc cha con cựu điệp viên Skripal nhưng các bước trừng phạt vẫn được tiến hành. Trong khi đó, nhiều người nói rằng đã xảy ra một vụ giết người ở Istanbul nhưng không có động thái nào được thực hiện”, Tổng thống Putin Phát biểu tại cuộc họp của Câu lạc bộ Valdai ở Sochi ngày 18/10.

Theo người đứng đầu Điện Kremlin, cộng đồng quốc tế “cần đưa ra một cách tiếp cận đồng nhất cho những kiểu vấn đề như thế này”.

Khi được hỏi về quan điểm của Nga với vụ nhà báo Khashoggi, ông Putin cho biết Nga sẽ chưa nóng vội đưa ra bất cứ tuyên bố hoặc hành động nào khi chưa nắm rõ được chuyện gì đang xảy ra.

“Nhưng nếu có ai đó biết và tin rằng một vụ giết người đã xảy ra, tôi hy vọng chứng cứ sẽ được công bố”, ông Putin nói thêm.

"Theo tôi biết nhà báo bị mất tích từng sống ở Mỹ, không phải ở Nga. Trong vụ việc này, Mỹ phải có một phần trách nhiệm về những gì đã xảy ra với ông ấy", nhà lãnh đạo Nga cho biết.

Ông Khashoggi, một nhà báo của tờ Washington Post, đã mất tích từ ngày 2/10 sau khi ông bước vào lãnh sự quán Ả rập Xê út tại Istanbul để lấy giấy tờ làm thủ tục đăng ký kết hôn với bạn gái người Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà báo Jamal Khashoggi.

Trước khi mất tích, ông Khashoggi thường xuyên có những bài viết chỉ trích Arab Saudi vì chính sách đối ngoại và việc đàn áp những người bất đồng chính kiến. Người này đã tới Mỹ sống lưu vong từ năm 2017 do lo sợ bị chính phủ Arab Saudi trả thù.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu tuần cho rằng ông Khasoggi đã bị giết và cắt xác làm nhiều phần bởi các mật vụ Saudi, thậm chí họ đã tung cả video cũng như băng ghi âm để ủng hộ lập luận này, song chính quyền Mỹ vẫn chưa có động thái nào thực sự cứng rắn với Arab Saudi.

Trong khi đó, dù chưa có bằng chứng rõ ràng trong vụ ám sát cha con cựu điệp viên Skripal, Anh đã cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc và cùng hàng chục các quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, trục xuất 150 nhà ngoại giao Nga. Đây là vụ trục xuất nhà ngoại giao tập thể lớn nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Hồi tháng 8 mới đây Mỹ đã tiếp tục giáng đòn trừng phạt Nga vì cho rằng Nga đã sử dụng vũ khí hóa học để ám sát cha con cựu điệp viên, vi phạm  luật quốc tế.

Đáp lại, Nga kịch liệt phản đối các cáo buộc vô căn cứ và khẳng định rằng rằng nước này không liên quan đến các vụ việc ở Salisbury theo bất kỳ hình thức nào.

Xem thêm >> Nhà máy Trung Quốc nín thở chờ đòn thuế của ông Trump

Tin mới lên