Từ năm 2019, hơn 300 gói thầu bảo trì đường bộ phải đấu thầu qua mạng
Đinh Tịnh -
24/08/2018 08:52 (GMT+7)
(VNF) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đang thúc đẩy các đơn vị tổ chức đấu thầu qua mạng đạt 40% số lượng gói thầu. Dự kiến, năm 2019, sẽ tổ chức đấu thầu toàn bộ các gói thầu bảo trì đường bộ (BTĐB) qua mạng.
VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam về vấn đề này.
- Xin ông cho biết nguồn thu và việc giải ngân thực hiện bảo trì của Quỹ bảo trì đường bộ trong thời gian qua?
Theo Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, đến hết Quý I/2018, nguồn thu Quỹ đạt trên 1.800 tỷ đồng, bằng 121% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt trên 28% kế hoạch thu cả năm 2018. Trung bình 1 ngày thu trên 28 tỷ đồng.
Về công tác giải ngân, Hội đồng đã giao toàn bộ kinh phí cho các đơn vị sử dụng theo đúng tỷ lệ vốn giao đợt I/2018, đạt tỷ lệ 100% vốn giao từ Bộ Tài chính và bằng 25% dự toán giao của năm 2018. Hiện các đơn vị đã giải ngân được trên 1.400 tỷ đồng, đạt khoảng 70% vốn được giao.
- Hiện Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương sắp giao dự toán chi đợt 2 năm 2018, vậy công tác đấu thầu BTĐB đang được Tổng cục triển khai như thế nào, thưa ông?
Từ đầu năm 2018, với mục đích tăng cường tính minh bạch trong lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu BTĐB, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã yêu cầu các đơn vị phải thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng, đẩy mạnh việc đấu thầu qua mạng đối với công tác BTĐB.
Cụ thể, năm 2018, Tổng Cục ĐBVN yêu cầu các cục quản lý đường bộ, sở giao thông vận tải, ban quản lý dự án liên quan phải thực hiện đấu thầu qua mạng ít nhất 40% số lượng gói thầu (tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, gồm cả sửa chữa công trình, mua sắm hàng hóa). Phạm vi áp dụng là các gói thầu được đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ hoặc 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.
Tuy nhiên, bước sang năm 2019, 100% gói thầu BTĐB phải lựa chọn nhà thầu qua mạng. Đối với các gói thầu tư vấn kiểm toán, một số gói thầu khác tuy nằm trong hạn mức được Chính phủ cho phép chỉ định thầu, nhưng nếu không cấp bách sẽ tổ chức đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh và phải áp dụng đấu thầu qua mạng.
- Ông có thể nói rõ hơn về tính minh bạch và quy trình đấu thầu qua mạng sẽ được thực hiện như thế nào?
Khi công bố gói thầu, Tổng cục ĐBVN sẽ cập nhật toàn bộ hồ sơ, bản vẽ, dữ liệu, khối lượng, đơn giá… vào bản dữ liệu trên mạng, từ đó tính luôn mức giá duy tu bảo dưỡng để tiến hành đấu thầu, sau đó, các nhà thầu tự bỏ giá. Quy trình đấu thầu sẽ được thực hiện 24/24, các nhà thầu hoàn toàn không biết được nhau.
Ví dụ, 1 gói thầu chốt thời hạn là 6h chiều, thì sau 6h, sẽ mở gói thầu. Lúc này chỉ cần ấn nút sẽ hiện lên danh sách các nhà thầu đã bỏ giá. Tất cả đều minh bạch, lại tránh được rườm rà, không phải làm văn bản, ký hội đồng…
Sau đó, Cục đấu thầu sẽ gửi lại danh sách cho Bộ GTVT, Tổng Cục ĐBVN, kết quả đấu thầu trên cũng được lưu trong dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía Tổng Cục ĐBVN, chúng tôi sẽ gọi nhà thầu thấp nhất đến để đối chiếu các yêu cầu kỹ thuật, đủ điều kiện sẽ cho thi công. Còn nếu nhà thầu thứ nhất không đạt yêu cầu sẽ mời nhà thầu thấp thứ 2 lên để kiểm tra. Vì thế, đấu qua mạng là cần thiết và hoàn toàn minh bạch.
- Xin ông cho biết “dòng tiền” của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương sẽ được phân bổ như thế nào sau khi đấu thầu?
Dự kiến, năm nay Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương thu được 6.800 tỷ đồng, số tiền này sẽ chuyển hết về Bộ Tài chính, Quỹ chỉ đứng ra lập danh sách, còn việc phân bổ sau khi nhà thầu trúng thầu sẽ cho Bộ Tài chính cấp.
Dự kiến có 65% nguồn vốn trên sẽ chuyển về Tổng Cục đường bộ để phân bổ cho các nhà thầu (nhưng trong tổng số 65% nguồn vốn này (khoảng 5.300 tỷ đồng) có tới 55% chi trả về các Sở giao thông vận tải địa phương, vì họ tự đấu thầu và duy tu sửa chữa các tuyến đường địa phương). Tổng Cục ĐBVN sẽ có trách nhiệm triển khai kế hoạch đấu thầu, giám sát, kiểm tra.
- Ông đánh giá như thế nào việc năm 2019, toàn bộ các gói thầu BTĐB sẽ triển khai đấu thầu qua mạng, thưa ông?
Theo tính toán, với hơn 300 gói thầu bảo trì đường bộ hàng năm, việc đấu thầu qua mạng tuy ban đầu có bỡ ngỡ nhất định nhưng khi quen dần, tiến độ đấu thầu bảo trì sẽ nhanh hơn. Các gói thầu đấu thầu điện tử cũng có nhiều nhà thầu tham dự hơn, tăng khả năng cạnh tranh trong đấu thầu, tạo cơ hội thu hút và chọn được nhà thầu có năng lực tài chính, khoa học công nghệ mạnh hơn, thậm chí là nhà thầu quốc tế. Qua đó, có thể nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone