Diễn đàn VNF

Tư nhân tham gia truyền tải điện: 'Đừng biến đường cao tốc thành đường làng xã'

(VNF) - Theo ông Nguyễn Ngọc Tân, thành viên HĐTV, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), việc tư nhân tham gia vào công tác truyền tải điện là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên cần phải có quy định cụ thể, bởi nếu có quá nhiều thành phần tham gia vào hệ thống truyền tải điện quốc gia thì mức độ nguy cơ sự cố càng lớn. Do đó, đừng biến đường cao tốc thành đường làng xã.

Tư nhân tham gia truyền tải điện: 'Đừng biến đường cao tốc thành đường làng xã'

Tọa đàm "Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo", do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức.

Thảo luận về chủ đề tư nhân tham gia vào hệ thống truyền tải điện, tại tọa đàm "Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo", do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức vào sáng 29/10, ông Nguyễn Ngọc Tân cho biết theo Nghị quyết số 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, việc tư nhân tham gia vào quá trình truyền tải điện là không bị cấm.

Cụ thể, Nghị quyết 55 khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước để đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của nhà nước. Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác sử dụng cơ sở vật chất dịch vụ năng lượng, bao gồm hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở đảm bảo quốc phòng và an ninh.

Theo ông Tân, chiến lược phát triển đến năm 2030, sản lượng điện của Việt Nam phải đạt từ 550 - 600 tỷ KWh, so với hiện tại là tăng gấp 3 lần. Do vậy, để đáp ứng được yêu cầu truyền tải điện thì nhu cầu đầu tư là rất lớn. Do đó, nhà đầu tư tư nhân hoàn toàn có thể tham gia và phát triển được.

"Tuy nhiên, đừng để đường cao tốc thành đường làng xã. Bởi càng nhiều thành phần tham gia vào hệ thống truyền tải điện thì mức độ nguy cơ sự cố càng lớn", ông Nguyễn Ngọc Tân nói.

Về quy hoạch điện, ông Tân cho rằng không nên cứng nhắc theo quy hoạch bởi sẽ rất khó làm cho truyền tải điện và cũng gây khó cho nhà đầu tư. Do đó, ông Tân cho rằng quy hoạch điện phải là quy hoạch động để phù hợp.

"Vì sao tư nhân làm được mà nhà nước không làm được? Điều này liên quan tới cơ chế thu hút vốn đầu tư. Trong khi doanh nghiệp tư nhân muốn được như doanh nghiệp nhà nước thì ngược lại doanh nghiệp nhà nước lại muốn được như doanh nghiệp tư nhân để tự do thu hút vốn", ông Tân đặt vấn đề.

Còn theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, đối với hệ thống truyền tải cho năng lượng tái tạo thì rất ít nhà đầu tư làm và việc này phải gắn với quyền lợi của nhà đầu tư thì họ mới làm.

Ông Quân cho rằng nếu hệ thống truyền tải bình thường 500kV hoặc 220kV thì số giờ vận hành phải từ 4.000 - 5.000 giờ trở lên. Còn với năng lượng tái tạo như năng lượng mặt mặt trời thì số giờ vận hành chỉ đạt từ 1.500 - 1.800. Do đó, việc đầu tư này là hoàn toàn không hiệu quả và không hấp dẫn được các nhà đầu tư.

Tin mới lên