Tiêu điểm

‘Tuổi thọ của các dự án luật ngày càng ngắn, một số mới ban hành 2-3 năm lại sửa'

(VNF) - Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, quá trình làm luật còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng bị rút ngắn. Một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung.

‘Tuổi thọ của các dự án luật ngày càng ngắn, một số mới ban hành 2-3 năm lại sửa'

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị).

Trong khuôn khổ phiên họp sáng 23/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung 4 dự án luật vào chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7; đồng thời trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại các kỳ họp năm 2024 đối với 21 dự án luật.

Trong phần thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu Quốc hội đã nêu lên một số bất cập, rủi ro đến hoạt động kinh tế và doanh nghiệp trong việc thường xuyên thay đổi các chương trình xây dựng pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cho rằng, mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật hiện hành, nhưng hệ thống pháp luật vẫn chưa thực sự đồng bộ, hoàn chỉnh. Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật vẫn là điều cần phải được quan tâm; một số quy định có tính khả thi không cao, sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Đáng lưu ý, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, trong các văn bản pháp luật còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể để áp dụng thi hành được ngay mà còn phải ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành.Trong khi đó, việc ban hành các văn bản này thường rất chậm, không kịp thời nên pháp luật đi vào đời sống tồn tại tình trạng nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau… 

Tương tự, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nêu rằng hoạt động lập pháp vẫn còn có những hạn chế nhất định. Cụ thể, việc thay đổi thường xuyên với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Hơn nữa, chất lượng các đạo luật chưa cao, còn chứa đựng các quy phạm chính trị. Kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ và đặc biệt là quá trình xây dựng chương trình luật pháp lệnh còn cài cắm lợi ích.

Thậm chí, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) lại cho rằng, câu chuyện làm luật còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn; cùng với đó, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng bị rút ngắn. Một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung.

Từ những vấn đề còn hạn chế nêu trên, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn nhằm đảm bảo việc xây dựng chính sách, pháp luật; đồng thời, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, các cơ quan liên quan phải đồng hành ngay từ giai đoạn đầu của việc đề xuất xây dựng luật, kiên quyết không đưa vào chương trình các dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, cần hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật hàng năm. Đại biểu cũng nhấn mạnh phải khắc phục tình trạng luật, khung, luật ống, hạn chế bớt các vi phạm chính trị trong các đạo luật bằng cách đổi mới thành phần ban soạn thảo theo hướng nhiều nhà khoa học tham gia, nhiều nhà chuyên môn và đặc biệt đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật và thể hiện sự cầu thị trong phản biện xã hội. 

Ngoài ra, đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ nên phân công một phó thủ tướng phụ trách công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế để đẩy mạnh hoạt động xây dựng pháp luật. Nghị quyết về xây dựng chương trình luật pháp lệnh cần xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách đề xuất xây dựng pháp luật.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị để những đối tượng bị điều chỉnh trong luật được tham gia sâu hơn nữa vào trong quá trình soạn thảo luật, không nên để đến lúc thẩm tra luật mang tính chuyên ngành cao, đại biểu Quốc hội còn chưa hiểu hết mà phải đóng góp ý kiến trong thời gian ngắn thì không thể đảm bảo chất lượng. Do đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị cần lấy ý kiến sớm, càng rộng càng tốt.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết sẽ tham mưu cho Chính phủ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác lập pháp nói chung và xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ việc tăng cường phòng chống lợi ích nhóm và tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật là trách nhiệm rất nặng nề đối với các cơ quan tham mưu và đặc biệt là các cơ quan tham gia vào quá trình xây dựng. 

Tin mới lên