Nhân vật

Tỷ phú Jensen Huang 'một lãnh đạo kỳ cục': Chủ tịch hãng chip Nvidia không có phòng làm việc

(VNF) - Nảy ra ý tưởng khởi nghiệp khi làm thêm tại quán ăn ven đường, ông Jensen Huang đã biến Nvidia thành tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới. Không chỉ gây ấn tượng với hình xăm logo trên tay trái, ông Huang còn là một nhà lãnh đạo đặc biệt với cách điều hành rất riêng của mình.

Tỷ phú Jensen Huang 'một lãnh đạo kỳ cục': Chủ tịch hãng chip Nvidia không có phòng làm việc

Nhà sáng lập Nvidia, tỷ phú Jensen Huang

Cổ phiếu của nhà sản xuất chip có trụ sở tại Santa Clara, Tập đoàn Nvidia, đã tăng vọt nhờ sự bùng nổ về trí tuệ nhân tạo. Kể từ đầu năm 2022, giá cổ phiếu của Nvidia ghi nhận tăng gấp 5 lần.

Chỉ tính riêng năm ngoái, cổ phiếu của Nvidia đã tăng 409% sau khi công bố doanh thu 22,1 tỷ USD trong quý cuối năm 2023, vượt xa kỳ vọng của Phố Wall. Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ đều đang chạy đua để có được bộ xử lý đồ họa hoặc GPU của Nvidia.

Hưởng lợi từ tài chính công ty, tài sản của Giám đốc điều hành Nvidia, ông Jensen Huang tính đến ngày 1/3 đã được nâng lên mức hơn 69,8 tỷ USD, xếp thứ 20 trong bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index.

Hiện, vị tỷ phú 61 tuổi này đang sở hữu 3,5% cổ phần Nvidia. Giá trị tài sản ròng của ông Huang đã tăng 57% trong vòng chưa đầy 2 tháng.

Quá khứ dọn vệ sinh tại trường giáo dưỡng

Sinh năm 1963 tại Đài Loan, ông Jensen Huang đã trải qua một tuổi thơ tương đối vất vả. Năm 9 tuổi, ông cùng anh trai đã được gửi đến sống cùng chú tại Tacoma. Chỉ 1 năm sau đó, ông Huang và anh mình tiếp tục chuyển về vùng nông thôn và sống trong ký túc xá nam của Học viện Baptist Oneida tại Kentucky.

Lý do hai anh em được gửi về đây là bởi chú của họ cho rằng đây là một trường nội trú và họ sẽ được rèn luyện tốt tại ngôi trường này, nhưng trên thực tế, đây lại là một học viện với cách dạy dỗ vô cùng khắc nghiệt. Ông Huang chia sẻ ông từng nhiều lần phải dọn dẹp phòng tắm, khu vực vệ sinh theo yêu cầu của trường.

Sau quãng thời gian học tập tại Baptist Oneida, ông Huang và anh trai được cha mẹ đón đến Mỹ định cư. Trong khoảng thời gian sinh viên, ông Huang từng rửa bát đĩa tại nhà hàng Denny’s để kiếm thêm thu nhập. Đến khi tốt nghiệp, ông thành công nhận bằng kỹ thuật điện tại Đại học bang Oregon và sau đó học lên thạc sĩ trong lĩnh vực tương tự tại Stanford.

Ý tưởng khởi nghiệp xuất hiện tại chính Denny’s

Năm 1993, sau một khoảng thời gian làm việc trong ngành kỹ thuật, ông Huang đã cùng 2 người bạn của mình, Chris Malocowsky và Curtis Priem, lập kế hoạch thành lập một công ty đồ hoạ. Kế hoạch được đưa ra tại chính nơi ông từng làm thêm, quán ăn ven đường Denny’s.

Nhà sáng lập Nvidia trở lại "nơi sinh" của tập đoàn, quán Denny's, sau 30 năm

Tại thời điểm này, ông Huang mới 30 tuổi. Toàn bộ khối tài sản của ông và 2 người đồng sáng lập góp vào chỉ vỏn vẹn 40.000 USD, thế nhưng cả 3 đều trang bị cho mình những kiến thức nhạy bén nhất trong lĩnh vực điện toán.

Sau khi thành lập không lâu, công ty nhận được 20 triệu USD từ quỹ đầu tư VC và đơn vị đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital. Ông Huang được đánh giá là nhà sáng lập công nghệ hiếm hoi vẫn nắm quyền và điều hành công ty ổn định từ thời điểm mới startup đến đến khi doanh nghiệp đạt được thành công như hiện tại.

Dần dần, hoạt động kinh doanh của Nvidia ngày càng được thúc đẩy nhờ sự bùng nổ AI trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu. Công ty sản xuất nhiều loại chip quan trọng nhằm cung cấp khả năng tính toán cần thiết cho các công cụ AI.

Với vị thế độc quyền này, Nvidia đã gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp nghìn tỷ USD vào tháng 6/2023.

“Một lãnh đạo kỳ cục”

Theo đánh giá của các nhân viên, ông Huang không giống bất kỳ một lãnh đạo nào họ từng gặp. Kể cả khi đang trên con đường trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, hình ảnh ông Huang giản dị trong chiếc áo khoác da và hình xăm logo trên tay vẫn là nét đặc trưng riêng của chính ông.

Hình xăm trên cánh tay ông Huang

Tuy nắm vai trò chủ chốt trong tập đoàn, tỷ phú Huang thậm chí còn không có bất kỳ chiếc bàn làm việc nào. Tương tự, tuy có cả một tòa nhà làm trụ sở, ông Huang lại không sở hữu bất cứ một phòng làm việc nào. Thay vào đó, mỗi ngày ông sẽ đi lang thang quanh tòa nhà và lựa chọn làm việc tại bất kỳ một vị trí nào, một phòng ban nào mà ông thích.

Trên cánh tay của ông cũng có một hình xăm lớn được xăm theo logo của Nvidia. Nguồn gốc của hình xăm đến từ cột mốc cổ phiếu công ty lần đầu đạt 100USD/cổ phiếu, như một cách để bản thân ông và nhân viên công ty ghi nhớ thành tích này. Cùng với hình xăm, ông Huang luôn gắn liền với hình ảnh chiếc áo khoác da mỗi khi xuất hiện, kể cả tại công ty, hay trong các cuộc họp, hội nghị.

Hầu như tất cả các lần xuất hiện, ông Huang đều mặc áo khoác da

Theo ông Huang, một nhà lãnh đạo giỏi phải sở hữu những cái riêng: “Họ không ăn mặc giống một CEO vì họ nghĩ đó là cách ăn mặc của các CEO. Họ không nói chuyện như các CEO vì đó là cách họ nghĩ các CEO nói chuyện. Họ không tiến hành các cuộc họp và mong đợi mọi người đối xử với họ như những CEO. Họ chỉ là chính họ thôi”.

Tin mới lên