Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Nvidia tăng trưởng thần tốc; Nga hứng loạt đòn trừng phạt mới

(VNF) - Trong tuần 19/2 - 25/2, đã có nhiều sự kiện nổi bật diễn ra trên toàn cầu. Trong đó phải kể đến câu chuyện tăng trưởng thần tốc của hãng chip Mỹ Nvidia; chiến sự Nga - Ukraine tròn 2 năm bùng nổ kéo theo loạt đòn cấm vận hay cuộc giải cứu bất động sản của các ngân hàng Trung Quốc.

Nvidia tiến sát mốc vốn hoá 2.000 tỷ USD, chứng khoán toàn cầu lập kỷ lục

Tối 21/2 (giờ Mỹ), nhà sản xuất chip Nvidia đã công bố báo cáo kinh doanh cho quý IV/2023 và dự báo cho quý hiện tại, cho thấy tình hình khả quan của công ty khi vượt qua dự báo của Phố Wall về thu nhập và doanh thu, đồng thời cho biết doanh thu trong quý hiện tại sẽ tốt hơn dự kiến.

Cụ thể, doanh thu của công ty trong quý cuối 2023 là 22,10 tỷ USD, lớn hơn so với dự kiến ​​20,62 tỷ USD. Con số này tăng 265% so với một năm trước, nhờ doanh số bán chip AI tăng mạnh.

“Nhu cầu mạnh mẽ được thúc đẩy bởi phần mềm doanh nghiệp và ứng dụng Internet tiêu dùng cũng như nhiều ngành dọc bao gồm ô tô, dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe”, báo cáo của Nvidia cho biết.

Nvidia thắng lớn nhờ AI.

Doanh thu từ trung tâm dữ liệu đã tăng 409% lên 18,40 tỷ USD. Hơn một nửa doanh số bán trung tâm dữ liệu của công ty thuộc về các nhà cung cấp đám mây lớn.

Xem thêm: Nvidia tiến sát mốc vốn hoá 2.000 tỷ USD, chứng khoán toàn cầu lập kỷ lục

Hai năm chiến sự Ukraine: 3 mũi trừng phạt của phương Tây đồng loạt 'tấn công' Nga

Đúng dịp tròn 2 năm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (24/2/2022-2024), Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh đã đồng loạt tung những đòn trừng phạt mới lên nước này.

Hội đồng châu Âu cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 23/2 rằng EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 13 chống lại Nga, trong đó nhắm vào 106 cá nhân và 88 thực thể.

Các biện pháp trừng phạt mới chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực quân sự và quốc phòng, cùng với các cá nhân liên quan, cũng như các thành viên của cơ quan tư pháp.

Các linh kiện để phát triển và sản xuất máy bay không người lái cũng được đưa vào danh sách hạn chế. Một số thực thể bị trừng phạt lần này có trụ sở ở các nước thứ ba, chẳng hạn như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ ngày 23/2 cũng đã trừng phạt thêm 500 người và tổ chức có liên quan tới Nga. Các thực thể bị trừng phạt bao gồm nhà điều hành hệ thống thẻ thanh toán Mir của Nga, hệ thống này đã trở nên phổ biến sau khi Nga bị cắt khỏi SWIFT và Visa/MasterCard vào năm 2022.

Các công ty năng lượng của Nga và các công ty có liên kết với lĩnh vực công nghiệp quân sự chiếm phần lớn trong số 100 các thực thể mục tiêu, đã được công bố trong danh sách lần này.

Ngoại trưởng Anh David Cameron ngày 22/2 đã công bố hơn 50 lệnh trừng phạt mới nhắm vào các cá nhân và doanh nghiệp Nga.

Theo thông cáo báo chí, các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các thực thể cung cấp cho quân đội Nga các loại đạn dược như hệ thống phóng tên lửa, tên lửa và chất nổ.

Các nguồn thu chính của nhà nước Nga như kim loại, kim cương và buôn bán năng lượng cũng bị trừng phạt.

Xem thêm: Hai năm chiến sự Ukraine: 3 mũi trừng phạt của phương Tây đồng loạt 'tấn công' Nga

Các ngân hàng Trung Quốc bơm 17 tỷ USD để 'giải cứu' bất động sản

Theo cơ chế "danh sách trắng" của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 26/1, chính quyền thành phố sẽ giới thiệu các dự án khu dân cư cho các ngân hàng phù hợp để hỗ trợ tài chính và phối hợp với các tổ chức tài chính để đáp ứng nhu cầu của dự án.

Cơ chế này là trụ cột chính trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ổn định cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản và tăng cường niềm tin vào ngành chiếm 1/4 GDP của Trung Quốc.

Theo tuyên bố của Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn vào tối 21/2, hiện đã có 214 thành phố trên cả nước đã thiết lập cơ chế, giới thiệu hơn 5.300 dự án cho các ngân hàng. Trong tổng số này, 29,4 tỷ NDT cho vay liên quan đến 162 dự án ở 52 thành phố đã được phát hành.

Xem thêm: Các ngân hàng Trung Quốc bơm 17 tỷ USD để 'giải cứu' bất động sản

Đồng yên lao dốc, chứng khoán Nhật Bản lập đỉnh 35 năm

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục trong phiên 22/2 do được hỗ trợ bởi cổ phiếu ngân hàng, điện tử và tiêu dùng khi thu nhập khả quan và các biện pháp thân thiện với nhà đầu tư thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán Nhật Bản trong năm nay.

Theo đó, Nikkei 225 đã tăng gần 2% để đạt mốc 39.029, vượt qua mức cao kỷ lục trước đó là 38.915,87 vào tháng 12/1989.

Chứng khoán Nhật lập đỉnh trong tuần qua.

Cả Nikkei và Topix đều là những chỉ số có thành tích vượt trội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi tăng hơn 10% từ đầu năm đến nay sau khi tăng hơn 25% vào năm 2023, ghi nhận mức tăng hàng năm tốt nhất trong ít nhất một thập kỷ.

Xem thêm: Đồng yên lao dốc, chứng khoán Nhật Bản lập đỉnh 35 năm

Người giàu Mỹ trốn thuế tới 150 tỷ USD mỗi năm

Sở Thuế vụ (IRS) thuộc Bộ Ngân khố Mỹ, hoạt động nhờ tiền hỗ trợ của chính phủ, gần đây đã phát động một cuộc điều tra sâu rộng đối với các cá nhân giàu có, các công ty hợp danh và các công ty lớn.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNBC, Ủy viên IRS Danny Werfel cho biết cơ quan này đã đưa ra một số chương trình nhắm vào những người nộp thuế có tờ khai phức tạp nhất để loại bỏ tận gốc hành vi trốn thuế và đảm bảo mọi người nộp thuế công bằng.

“Khi tôi nhìn vào khoảng cách thuế, tức là số tiền nợ thuế so với số tiền phải trả của các triệu phú và tỷ phú, những người không khai báo hoặc báo cáo thấp thu nhập của họ, số tiền chênh lệch lên tới 150 tỷ USD", ông Werfel nói.

Trong khi đó, ông Werfel nói rằng việc IRS thiếu kinh phí trong nhiều năm đã khiến cơ quan này thiếu nhân viên, công nghệ và nguồn lực cần thiết để tài trợ cho các cuộc kiểm toán - đặc biệt là những khoản hoàn trả phức tạp, đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn.

Theo thống kê của IRS, việc kiểm tra những người nộp thuế kiếm được hơn 1 triệu USD mỗi năm đã giảm hơn 80% trong thập kỷ qua, trong khi số người nộp thuế có thu nhập 1 triệu USD đã tăng 50%.

Xem thêm: Người giàu Mỹ trốn thuế tới 150 tỷ USD mỗi năm

Tin mới lên