Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam; Mỹ trừng phạt Nga

(VNF) - Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, Quốc vương Kuwait qua đời sau 3 năm trị vì, Ukraine có thêm bước tiến mới trong nỗ lực gia nhập EU là những tin tức đáng chú ý của thế giới tuần qua.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam

Ngày 12/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, các ban, bộ ngành, địa phương hai nước đã ký 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Việt - Trung cũng ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược.

Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm đến Việt Nam.

Tuyên bố chung của hai nước cho biết 2 nước trong thời gian tới sẽ tập trung vào 6 phương hướng hợp tác lớn gồm: Tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

Mỹ tiếp tục trừng phạt Nga

Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ ngày 12/12 cho biết họ đã liệt hơn 250 cá nhân và tổ chức ở các quốc gia bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào danh sách đen, nhằm trấn áp việc giúp Nga “lách” các lệnh trừng phạt mua sắm vũ khí và các lĩnh vực như năng lượng và khai thác mỏ.

Các biện pháp này nhằm vào cái mà các cơ quan Mỹ gọi là mạng lưới mua sắm của Nga, một liên minh gồm các công ty giúp nước này có được công nghệ và vũ khí tiên tiến, vi phạm lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Bất chấp các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh hiện vẫn phải vật lộn để ngăn chặn những hàng hóa này xâm nhập vào thị trường Nga.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết: “Điện Kremlin đã dần dần biến Nga thành một nền kinh tế thời chiến, nhưng cỗ máy chiến tranh của ông Putin không thể tồn tại chỉ dựa vào sản xuất trong nước” .

“Các biện pháp trừng phạt của chúng tôi sẽ tiếp tục thắt chặt sự kiểm soát đối với các nhà cung cấp và mạng lưới của nước thứ ba sẵn sàng cung cấp cho Nga những sản phẩm mà nước này rất cần để tăng cường và duy trì cơ sở công nghiệp quân sự của mình”, bà Yellen nhấn mạnh.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, trong số những đối tượng bị nhắm tới bởi đợt trừng phạt lần này có những người liên quan đến việc mua sắm vũ khí cho Nga, bao gồm 4 thực thể và 9 người ở Trung Quốc, Nga, Hong Kong và Pakistan.

Các biện pháp trừng phạt cũng nhắm vào những người có mối liên hệ với ngành năng lượng của Nga, một nguồn thu quan trọng của Điện Kremlin. Các biện pháp trừng phạt có phạm vi bao trùm các công ty đang nỗ lực phát triển một cơ sở xử lý khí đốt tự nhiên lớn ở phía tây bắc nước Nga sẽ do tập đoàn năng lượng Gazprom vận hành.

Quốc vương Kuwait qua đời

Ngày 16/12, truyền hình quốc gia Kuwai đưa tin quốc vương Nawaf al-Ahmad Al-Sabah qua đời ở tuổi 86, một tháng sau khi nhập viện vì "tình huống khẩn cấp". Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể dẫn đến cái chết của quốc vương Nawaf không được tiết lộ.

Giới chức Kuwait thông báo sẽ để tang 40 ngày và đóng cửa toàn bộ cơ quan chính phủ trong 3 ngày.

Quốc vương Nawaf qua đời chỉ sau hơn 3 năm lên ngôi. Triều đại của quốc vương Nawaf được đánh dấu đánh dấu bởi những bất ổn chính trị và thách thức kinh tế bắt nguồn từ giá dầu sụt giảm, khiến Kuwait bị các nước láng giềng như Arab Saudi, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bỏ xa. Dù vậy, Quốc vương Nawaf vẫn được các nhà ngoại giao coi là người xây dựng sự đồng thuận.

Kuwait là quốc gia có trữ lượng dầu lớn thứ bảy thế giới, giáp Ả Rập Xê Út và Iraq, cũng như đối diện với Iran qua vịnh Ba Tư. Kuwait bị Iraq tấn công và chiếm đóng vào năm 1990, dẫn đến Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất vài tháng sau đó. Mỹ và quốc gia khác đã đánh bại Iraq và giải phóng Kuwait vào năm 1991.

Trung Quốc chìm trong giá rét, nhiệt độ xuống dưới âm độ

Tân Hoa Xã đưa tin, một số khu vực ở miền bắc Trung Quốc cùng các khu vực dọc theo sông Hoàng Hà và sông Hoài Hà có thể chứng kiến mức nhiệt độ xuống thấp kỷ lục trong những ngày này.

Sáng 16/12, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NMC) cũng đã đưa ra cảnh báo màu cam về giá rét – mức cảnh báo nghiêm trọng nhất trong hệ thống cảnh báo 3 cấp, đồng thời dự báo một đợt lạnh trên phần lớn đất nước sẽ kéo dài đến ngày 19-12.

Theo NMC, nhiệt độ sẽ giảm từ 6-10 độ C trên phần lớn lãnh thổ Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 20h ngày 15/12 đến 8h ngày 17/12. Tại các khu vực Cát Lâm, Liêu Ninh, Chiết Giang và Quảng Tây, nhiệt độ có thể giảm tới 16-20 độ C.

Trong vài ngày qua, nhiều vụ tai nạn liên quan đến nhiệt độ thấp, mưa tuyết và bang giá cũng đã xảy ra tại Trung Quốc. Tối 14/12, vụ tai nạn đường sắt trên tuyến Changping ở Bắc Kinh đã khiến 515 người phải nhập viện, trong đó có 102 người bị gãy xương. May mắn là không có trường hợp tử vong nào.

Trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt, Trung Quốc đã triển khai các biện pháp ứng phó đợt rét đậm nhằm bảo đảm cuộc sống cho người dân như tăng cường kiểm tra tình trạng đường sá và cơ sở hạ tầng điện, bảo đảm hoạt động an toàn và thông suốt của mạng lưới giao thông và lưới điện. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng nỗ lực hết sức để đối phó với tình trạng khẩn cấp này.

Ukraine có thêm bước tiến mới trong nỗ lực gia nhập EU

Ngày 14/12, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đưa ra quyết định mở các cuộc đàm phán để Ukraine gia nhập EU. Quyết định mang tính lịch sử này được cho là sẽ đem đến nhiều kỳ vọng cho Tổng thống Zelensky.

Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng đây là chiến thắng cho Ukraine.

Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, Tổng thống Zelensky đã đưa ra lời kêu gọi các nhà lãnh đạo EU đừng “phản bội” đất nước của ông thông qua việc chặn con đường gia nhập EU của Ukraine, điều mà theo ông sẽ khiến ông Putin “mỉm cười hài lòng”.

Sau khi quyết định được công bố, Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu: “Đây là chiến thắng cho Ukraine. Một chiến thắng cho toàn bộ châu Âu. Một chiến thắng tạo động lực, truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh”.

Tuy nhiên, cũng trong cùng ngày, EU không thông qua kế hoạch ngân sách mới, trong đó có khoản viện trợ cho Ukraine, do vấp phải sự phản đối của một nước thành viên.

Thượng viện Mỹ duyệt ngân sách quốc phòng kỷ lục

Tại Thượng viện Mỹ ngày 13/12, Dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) trị giá 886 tỷ USD đã được thông qua với 87 phiếu thuận và 13 phiếu chống. Theo đó, tổng ngân sách quốc phòng sẽ ở mức cao kỷ lục 886 tỷ USD, nhiều hơn 28 tỷ USD (khoảng 3%) so với năm trước.

Dự luật NDAA được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường năng lực của Bộ Quốc phòng Mỹ trong cạnh tranh với Trung Quốc và Nga trong vũ khí siêu thanh và hạt nhân, thực hiện một số hợp phần của đối tác an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Anh và Australia, và chuyển hàng trăm triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine và Israel. Dự luật cũng sẽ cấp ngân sách 300 triệu USD cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine trong vòng hai năm tới.

Tới ngày 14/12, Hạ viện Mỹ cũng thông qua dự luật NDAA và đang trình Tổng thống Mỹ Joe Biden ký duyệt.

Tin mới lên