Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: ‘Sáp nhập VinCommerce là bước nhảy vọt của Masan’

Đức Hoàng - 24/01/2020 10:44 (GMT+7)

(VNF) - Chia sẻ về thương vụ sáp nhập VinCommerce vừa qua, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masan Group Nguyễn Đăng Quang nói “không phải ai cũng đồng tình, nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan”.

VNF
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ về “hậu trường” việc sáp nhập Masan Consumer - công ty thành viên của Masan với VinCommerce - công ty thành viên của Vingroup.

Theo ông Quang, việc kết hợp nền tảng bán lẻ hiện đại của VinCommerce với 300.000 điểm bán lẻ truyền thống trên toàn quốc của Masan sẽ tạo ra lợi thế vượt trội để tập đoàn này xây dựng một hệ thống bán lẻ hiện đại, xuyên suốt phục vụ người tiêu dùng.

Ông Quang nói thương vụ M&A này không phải ai cũng ủng hộ, bởi nhiều người nói rằng “ngành bán lẻ là một sân chơi hoàn toàn khác”.

“Nhưng đối với chúng tôi, tất cả đều bắt đầu bằng việc đặt người tiêu dùng làm trọng tâm và cung cấp các giải pháp vượt trội. Đây cũng chính là thế mạnh của chúng tôi. 2020 là năm chúng tôi sẽ hiện thực hóa tầm nhìn này”, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chia sẻ.

Sau sáp nhập, Masan thành lập ra một công ty tiêu dùng, theo Masan là lớn nhất Việt Nam. Masan là cổ đông nắm 70% của công ty mới. Trong đó, công ty mới này sẽ nắm 85,7% cổ phần của Masan Consumer và 83,7% tại VinCommerce.

Trong năm 2020, Masan đặt mục tiêu đưa ra lộ trình để hệ thống này đạt được điểm hòa vốn ở mức độ EBITDA. Dự kiến, chuỗi cửa hàng Vinmart sẽ tăng tỷ suất lợi nhuận gộp ngang bằng với thị trường, tăng lưu lượng hàng hóa qua trung tâm phân phối để giảm chi phí nhưng không ảnh hưởng đến tăng trưởng trung hạn.

Masan cũng cho biết sẽ đóng cửa 150 - 300 cửa hàng không có khả năng hòa vốn hoặc không đạt chỉ tiêu lưu lượng. Đồng thời, hệ thống này sẽ tiếp tục tăng sự hiện diện tại Hà Nội để củng cố thị phần, phát triển mô hình mới cho các tình ngoài Hà Nội bằng việc địa phương hóa danh mục sản phẩm.

Về kế hoạch kinh doanh, Masan đặt mục tiêu năm 2020, hệ thống VinCommerce mang về doanh thu 45.000 - 48.000 tỷ đồng, mục tiêu EBITDA từ mức -3% đến hòa vốn.

Ngày 3/12/2019, Vingroup ký thỏa thuận với Masan Group về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.

Theo thỏa thuận này, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce và Công ty VinEco sẽ sáp nhập vào Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding.

Hình thức sáp nhập là Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Với công ty mới này, Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Thỏa thuận giữa Vingroup và Masan được đánh giá là thương vụ bom tấn của năm 2019, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng của Vingroup trong hành trình tái cơ cấu của tập đoàn này.

VinCommerce, với 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+ tại 50 tỉnh thành, với tệp khách hàng lên tới hàng triệu; VinEco với 14 nông trường công nghệ cao… sau 5 năm phát triển đã thuộc về Masan.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác