Ưu tiên chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nữ doanh nhân

Thế Lợi - 17/08/2022 11:45 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 16/8, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC - VCCI), Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ”.  Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa - DNNVV” (LinkSME).

VNF

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ cho các doanh nghiệp (DN) về kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai chuyển đổi số, vai trò của các bộ phận trong DN khi triển khai chuyển đổi số và ứng dụng một số giải pháp chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.

Chuyển đổi số là xu hướng và lựa chọn tất yếu giúp cho các DN, trong đó có các DN do phụ nữ làm chủ, không bị tụt hậu so với các DN trong khu vực và trên thế giới. Chuyển đổi số đồng thời cũng là giải pháp giúp các DN thích ứng với các khủng hoảng của dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu...

Trước xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, các DN do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ để chuyển đổi số thành công. Đa số còn thiếu kiến thức về chuyển đổi số, đồng thời chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để bắt đầu áp dụng chuyển đổi số cho DN. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch VWEC - VCCI phát biểu khai mạc Hội thảo.

Chủ tịch VWEC Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng, chuyển đổi số là giải pháp để các DN chuyển đổi do dịch bệnh gây ra, hiện nhiều DN, trong đó có nhiều DN do phụ nữ làm chủ đã thay đổi nhận thức. Chính phủ cũng đã tích cực vào cuộc hỗ trợ, kích hoạt xã hội số cho các DN, trong đó có DN khu vực này.

Chương trình chuyển đổi số đến 2025, định hướng đến 2030 đã đưa ra tầm nhìn rất rõ ràng, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số ổn định, thịnh vượng tiên phong áp dụng các công nghệ, đổi mới căn bản toàn diện trong cơ quan công quyền và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, người dân ở môi trường số an toàn.

Một thống kê cho thấy, trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, chỉ có 20% DN quan tâm đến chuyển đổi số. Sau 6 tháng, hơn 70% DN chú ý đến quy trình này và trên 50% DN đang thực hiện. Do đó, hưởng ứng  chương trình, VCCI đã đưa ra 3 động tác chiến lược, trong đó có động tác thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng DN, tạo nền tảng nắm bắt cơ hội, thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu lại sản phẩm vào thị trường, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho DN…

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của các DN do phụ nữ làm chủ đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về nguồn lực tài chính, về thay đổi văn hóa kinh doanh phù hợp với môi trường số, nhận thức, cũng như năng lực của người lãnh đạo, lẫn người lao động trong việc tiếp cận và lựa chọn các giải pháp công nghệ.

Chủ tịch VWEC cho biết, từ năm 2017 đến nay, VWEC đã triển khai hỗ trợ được hơn 100 hoạt động, với hơn 10.000 lượt hội viên tham gia chương trình hướng tới sự hiệu quả trong công cuộc chuyển đổi số.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, chuyên viên Phòng Tổng hợp và Chính sách (Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, có 6 lợi ích của chuyển đổi số như: Mở rộng khách hàng và thị trường tiềm năng; gia tăng trải nghiệm; sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp hơn với yêu cầu của khách hàng; tối ưu chi phí vận hành, chi phí nhân sự; tăng hiệu suất kinh doanh và sản xuất; lãnh đạo DN đưa ra quyết định nhanh, chuẩn xác.

Qua khảo sát 1.500 DN, có những khó khăn về chi phí đầu tư, thay đổi thói quen, thiếu nhân lực thực hiện chuyển đổi số. Từ tháng 1/2021, chương trình hỗ trợ DN thúc đẩy chuyển đổi số thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu qua hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN.

Một số hoạt động chính là xây dựng tài liệu kiến thức; đào tạo chuyển đổi số; mở rộng mạng lưới chuyên gia; hỗ trợ tư vấn chuyên sâu hướng đến lộ trình, khung chuẩn, kết nối DN và chuyên gia; hỗ trợ giải pháp về tư vấn và triển khai; truyền thông để có thể lan tỏa ra cộng đồng, xã hội…

Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trịnh Thị Hương, các DNNVV do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay số DN do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24 - 25% tổng số DN trong cả nước. Ngành nghề kinh doanh của các DN do phụ nữ làm chủ tập trung nhiều nhất ở các ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, chiếm khoảng 75%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo 14,6%; KHCN 7,3%.

Trong bối cảnh hiện nay, các DN Việt Nam, đặc biệt là DNNVV do phụ nữ làm chủ đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch Covid-19. Điều này đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc DN phải thay đổi và thích ứng.

“Nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các DN đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới”, bà Hương nói.

Trong quá trình triển khai các hoạt động của chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, ngày càng nhiều DN đã nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số. DN cũng có nhiều thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số như: Sự chuyển dịch, thay đổi thói quen của người tiêu dùng, sự linh hoạt của các DN Việt Nam, sự sẵn sàng của công nghệ, các nhà cung cấp chuyển đổi số trong DN.

Tuy nhiên, qua khảo sát, các DN Việt Nam, đặc biệt là DNNVV do phụ nữ làm chủ, cũng gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình chuyển đổi số như hạn chế về tài chính, hạn chế về năng lực, kinh nghiệm triển khai, thiếu thông tin về các giải pháp chuyển đổi số...

Quyền Phó Giám đốc USAID Linda Percy nhìn nhận, dịch Covid-19 đã mở ra kỷ nguyên mới cho chuyển đổi số. Từ việc tăng số lượng các cuộc họp trực tuyến giúp nhân viên có thể làm việc từ xa, đến việc sử dụng công nghệ để thích ứng và chuyển đổi cách thức hoạt động kinh doanh, chuyển đổi số ngày càng quan trọng đối với các DNNVV để tồn tại, phục hồi và phát triển.

Cho đến nay, USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu các hoạt động hỗ trợ tới gần 7.000 nữ doanh nhân từ các DNNVV, các tổ chức hỗ trợ DN và các bên liên quan khác.

Trên toàn thế giới, chuyển đổi số đã có tác động ngày càng lớn đến các DNNVV, mang đến cho các DN cách thức mới để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhưng các DNNVV do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam phải đối mặt với những thách thức không nhỏ để áp dụng các công nghệ đổi mới này, ví dụ như thiếu kiến thức và chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi số. Do đó, đây là cơ hội để hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ vượt qua những thách thức này và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm ở Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Tin khác