Tiêu điểm

Ủy ban châu Âu: Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8

(VNF) - Ủy ban châu Âu (EC) ngày 30/6 chính thức thông báo Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) ký kết ngày 30/6/2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Ủy ban châu Âu: Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngày 18/6 trao công hàm thông báo việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA cho ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Hà Nội.

Khi có hiệu lực, EVFTA sẽ loại bỏ 65% thuế đối với hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam, phần còn lại sẽ được loại bỏ dần trong khoảng thời gian 10 năm.

Đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, EVFTA cũng sẽ loại bỏ 71% thuế xuất kể từ ngày 1/8, phần còn lại sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 7 năm.

Thỏa thuận thương mại EU-Việt Nam còn có những điều khoản quan trọng về bảo hộ sở hữu trí tuệ, quyền của người lao động và phát triển bền vững.

EVFTA cũng bao gồm những cam kết về thực hiện các tiêu chuẩn cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế cũng như các công ước của Liên hợp quốc, như liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay bảo vệ đa dạng sinh học.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp định dự kiến sẽ thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025.

Ủy ban Châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị “Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA” được tổ chức sáng 30/6 tại Hà Nội, Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho biết: “Trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam hiện đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các công ty châu Âu – những doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường mở, cạnh tranh và thân thiện với doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Audier, khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8, điều quan trọng lúc này là cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam phải hợp tác chặt chẽ với nhau, đảm bảo việc thực thi suôn sẻ và thành công hiệp định. Một trong những yếu tố hàng đầu đó là tiếp tục thúc đẩy về những tiến bộ tích cực trong cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, và hiện đại hóa khung pháp lý.

Xem thêm >> ‘Hậu Covid-19, Việt Nam đang có cơ hội vàng để thu hút FDI từ châu Âu’

Tin mới lên