Vay ODA trả lương chuyên gia 700 triệu: Giáo sư, tiến sỹ Việt khó có cửa

Lương Bằng  - 03/06/2020 16:32 (GMT+7)

Lương chuyên gia 'ngoại' trong các dự án ODA lên tới 500 - 700 triệu đồng/tháng trong khi sử dụng chuyên gia 'nội' chỉ vài chục triệu đồng/tháng.

Lương chuyên gia “ngoại” đắt đỏ

Năm 2018, khi thẩm định các dự án vay Nhật Bản tài khóa 2018, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề lương chuyên gia "ngoại".

Bộ Tài chính lưu ý: mặc dù cung cấp các khoản vay đang giảm dần tính ưu đãi, phía Nhật Bản vẫn đặt ra các điều kiện tương đối cao khi cho vay. Ngoài ra, trong quá trình thẩm định khoản vay, phía Nhật Bản đưa ra các quy định theo hướng tăng chi phí dự án và quy mô khoản vay như quy định về mức lương tư vấn quốc tế và trong nước, mức dự phòng trượt giá...

Việt Nam là một trong ba nước vay vốn lớn nhất của Nhật Bản, cùng với Ấn Độ, Indonesia.

Đơn cử, mức lương phía Nhật Bản yêu cầu để lập dự toán các dự án vay vốn tài khóa 2018 của Nhật Bản là khoảng trên 30.000 USD/tháng/người (+-10%), chưa kể các khoản phụ cấp. Mức này cao hơn khoảng 20-25% so với mức lương tư vấn nước ngoài bình quân trong các dự án vay vốn ODA, vay ưu đãi của Chính phủ và khoảng gấp đôi so với thu nhập kê khai nộp thuế bình quân của người có quốc tịch Nhật Bản làm việc tại Việt Nam năm 2016.

Sau đó, JICA đã lên tiếng rằng: mức tiền lương cho tư vấn trong hướng dẫn chung dành cho thẩm định được xác định dựa trên trình độ chuyên môn và kinh nghiệm toàn cầu, do đó, không phải là một đơn giá cố định. Hơn nữa, trong quá trình tham vấn, JICA cũng thảo luận kỹ lưỡng với phía Việt Nam về tính phù hợp của đơn giá này với các định mức chi phí của Việt Nam.

Do đó, cơ quan này khẳng định: "Mức giá chúng tôi áp dụng đa phần là giống với các dự án tương tự do các nhà tài trợ khác thực hiện tại Việt Nam".

Trong báo cáo Kiểm toán chuyên đề các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi công bố tháng 5/2019, Kiểm toán Nhà nước cũng nhắc đến việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn ODA gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài, sử dụng hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc từ bên cho vay, trong đó có điểm mặt dự án Cát Linh - Hà Đông phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc.

Ngoài ra, theo Kiểm toán Nhà nước, những dự án vay vốn nước ngoài này Việt Nam phải sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao hơn sử dụng tư vấn trong nước từ 8-10 lần. Chẳng hạn dự án đầu tư tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí gấp 8,5 lần tư vấn trong nước; dự án Cải thiện môi trường nước TP. HCM lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 gấp 10 lần; dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi gấp 11 lần...

Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng chưa có quy định cụ thể về mức lương, nhu cầu, mức độ cần thiết trong việc thuê chuyên gia tư vấn quốc tế, trong khi chi phí này rất lớn. Cụ thể, chuyên gia tư vấn thiết kế 20.000-25.000 USD/tháng, chuyên gia trong nước trung bình 2.000 USD/tháng.

Đặc biệt, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tư vấn giám sát do bên tài trợ vốn chỉ định mà phía Việt Nam không thể thay thế.

Dự án Cát Linh - Hà Đông vay vốn Trung Quốc, sử dụng tổng thầu Trung Quốc nay cũng "mắc kẹt".

Cân nhắc kỹ việc dùng chuyên gia “ngoại”

Vấn đề lương chuyên gia “ngoại” đắt đỏ tiếp tục được Kiểm toán Nhà nước nhắc đến trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán nhà nước vừa công bố.

Đơn cử, dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh, công tác tư vấn thiết kế, giám sát thi công phải sử dụng nhà thầu quốc tế, chuyên gia tư vấn nước ngoài nên chi phí tăng cao gấp nhiều lần so với sử dụng tư vấn trong nước.

Cụ thể, gói thầu C, chi phí tư vấn thiết kế và hỗ trợ đấu thầu tăng từ 6,2 tỷ đồng lên 60,4 tỷ đồng, tương đương 9,7 lần; chi phí tư vấn giám sát tăng từ 4,9 tỷ đồng lên 66,2 tỷ đồng tương đương 13,5 lần.

Tại gói thầu G, chi phí tư vấn thiết kế cũng tăng từ 4,9 tỷ đồng lên 12,5 tỷ đồng, tương đương 2,5 lần; chi phí tư vấn giám sát tăng từ 4,9 tỷ đồng lên 22,4 tỷ đồng tương đương 4,5 lần.

Ngoài ra, theo Kiểm toán Nhà nước, có dự án bị buộc áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế trên cơ sở chất lượng và chi phí; lựa chọn nhà thầu có trụ sở từ bên cho vay, nhà thầu nước ngoài, quy định chi tiết đề cương và nhân sự tư vấn giám sát trong khi không phải dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công nghệ hiện đại.

Ví dụ, dự án phát triển giao thông đô thị TP. Hải Phòng, mặc dù đã có một số nhà thầu trong nước nộp hồ sơ dự thầu nhưng đều không đủ điều kiện qua sơ tuyển do quá ưu tiên các điều kiện kỹ thuật, kinh nghiệm so với điều kiện về tài chính, giá cả. Kết quả chấm sơ tuyển, điểm đánh giá của các nhà thầu trong nước đều thấp hơn các nhà thầu nước ngoài. Kết quả lựa chọn nhà thầu, đơn vị trúng thầu là các nhà thầu nước ngoài với mức lương chuyên gia nước ngoài cao hơn rất nhiều so với lương chuyên gia trong nước.

Vì thế, Kiểm toán Nhà nước lưu ý cân nhắc, thận trọng trong việc thương thảo, đàm phán hiệp định vay cho các dự án ODA có sử dụng tư vấn nước ngoài phải đảm bảo tỷ lệ chi phí tư vấn thuê trong nước và nước ngoài hợp lý, phù hợp quy định, đảm bảo tính kinh tế và hiệu quả dự án.

Với dự án đầu tư xây dựng công trình Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng (hợp phần A) - giai đoạn khởi động, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan trong công tác thẩm định, đàm phán các khoản vay ODA cho các dự án cho chương trình "Điều khoản đặc biệt danh cho các đối tác kinh tế" (STEP) giảm thiểu các điều kiện vay khắt khe nhằm tạo sự cạnh tranh trong đấu thầu và tạo điều kiện cho các nhà thầu Việt Nam tham gia vào dự án.

Bộ Giao thông Vận tải cũng cần rà soát tính toán chi phí, hiệu quả tại các dự án sử dụng vốn vay ODA có điều khoản đặc biệt ràng buộc (STEP) trong các dự án giao thông để báo cáo tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan trong công tác thẩm định, đàm phán các khoản vay ODA đầu tư dự án đảm bảo hiệu quả.

Theo Vietnamnet
Cùng chuyên mục
Tin khác