VFS: Định giá của VN-Index vẫn tương đối hấp dẫn

Thanh Long - 14/01/2021 18:22 (GMT+7)

(VNF) - Định giá P/E của VN-Index vẫn thấp hơn so với vùng đỉnh hồi tháng 4/2018 và thấp hơn các quốc gia trong khu vực dù tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn.

VNF
Ảnh minh họa

Ngày 15/1, Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) sẽ đồng tổ chức hội thảo với chủ đề "Triển vọng kinh tế tài chính năm 2021-2025: Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán".

Nhận định trước thềm sự kiện, VFS cho hay định giá của VN-Index vẫn tương đối hấp dẫn. P/E vùng đỉnh thời điểm tháng 4/2018 ở mức 21-22 lần, vẫn cao hơn mức hiện tại. Cùng với đó, mặc dù tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp niêm yết sàn HoSE ở mức trên 15%, cao hơn so với khu vực nhưng định giá P/E lại thấp hơn. P/E của Malaysia hiện ở mức khoảng 32 lần, Lào 33 lần, Thái Lan 25 lần.

VFS cho rằng nhiều yếu tố đang hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam, đầu tiên phải kể đến triển vọng kinh tế phục hồi nhờ vắc xin. Vắc xin dự kiến sẽ được phân phối trong năm nay, GDP Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5%.

Thêm vào đó, uy tín của Việt Nam đang lên cao, nền kinh tế đang hội nhập sâu hơn với triển vọng tươi sáng từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEP, CPTPP.

Đặc biệt, dòng tiền nội, nhất là từ các nhà đầu tư cá nhân "F0", được dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ thị trường chứng khoán nhờ môi trường lãi suất thấp. Điều này cộng hưởng với việc đồng USD suy yếu có thể kích thích dòng tiền ngoại chảy vào các thị trường mới nổi, cận biên, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, tín hiệu tích cực từ chính sách như việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi hay kỳ vọng vào lộ trình nâng cấp hệ thống, triển khai giao dịch trong ngày, thay đổi về tỷ lệ ký quỹ... cũng sẽ tạo xung lực cho thị trường đi lên.

VFS dự báo 2021 sẽ tiếp tục là một năm tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index sẽ tăng khoảng 14%, thanh khoản tiếp tục tăng 30%. Dù vậy, tốc độ tăng sẽ kém hơn năm 2020 do triển vọng phục hồi kinh tế đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Mặc dù được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực nhưng vẫn còn đó những rủi ro đáng lưu ý. Theo VFS, Covid-19 và biến chủng của vi rút sẽ tiếp tục là rào cản lớn cho kinh tế thế giới chừng nào vắc xin chưa được phân phối rộng rãi. Cùng với đó, chỉ số P/E hiện tại không phải là rẻ, đồng nghĩa các nhịp rung lắc mạnh sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Năm 2021, chuyên gia của VFS cho rằng các ngành bất động sản, cảng biển, cao su tự nhiên, dầu khí, tiêu dùng, bán lẻ, thép, điện, thủy sản, dệt may, vật liệu xây dựng và công nghệ có triển vọng tích cực.

Triển vọng trung bình dành cho các ngành hàng không, vận tải, dược, phân bón, săm lốp, đường, chứng khoán và ngân hàng.

Cùng chuyên mục
Tin khác