Vì đâu lợi nhuận hợp nhất của SCIC giảm mạnh về mức thấp nhất 10 năm?

Tân Mai - 16/05/2022 09:42 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2021, nhờ hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư, lợi nhuận gộp của SCIC tăng gần gấp rưỡi lên hơn 10.110 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty liên kết ghi nhận số lỗ gần 6.000 tỷ đồng, khiến lợi nhuận cuối năm sụt giảm rất mạnh...

VNF
Vì đâu lợi nhuận hợp nhất của SCIC giảm mạnh về mức thấp nhất 10 năm?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố doanh thu 7.715 tỷ đồng, giảm 2,5% so với năm trước. Trong đó, doanh thu cổ tức và lợi nhuận được chia đóng góp hơn 4.340 tỷ đồng, theo sau là doanh thu bán vốn 1.930 tỷ đồng, doanh thu từ lãi tiền gửi và lãi trái phiếu 1.430 tỷ đồng...

Đáng chú ý, nhờ hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư hơn 3.350 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của SCIC tăng gần gấp rưỡi cùng kỳ lên 10.120 tỷ đồng.

Dẫu vậy, ở chiều ngược lại, bên cạnh chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 2,4 lần lên 530 tỷ đồng, công ty liên doanh, liên kết còn ghi nhận khoản lỗ kỷ lục gần 5.960 tỷ đồng, là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế của SCIC đảo chiều giảm đến 45% so với năm 2020, chỉ còn 3.630 tỷ đồng, cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Trong khi đó, trên báo cáo tài chính riêng công ty mẹ, SCIC vẫn giữ mức lợi nhuận trước thuế kỷ lục với hơn 9.570 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020. 

Được biết, hiện SCIC sở hữu 1 công ty con là Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (nắm giữ 100% vốn) và 7 công ty liên kết, bao gồm Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (47,63%); Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào – Việt (27,03%); Công ty Cổ phần Đầu tư SCIC – Bảo Việt (50%); Công ty Cổ phần Tháp Truyền hình Việt Nam (33%); Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam (30%); Công ty Cổ phần Thuốc ung thư Benovas (29%); Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (31,14%).

Trong đó, tháng 9/2021 SCIC đã đầu tư 6.895 tỷ đồng để mua cổ phần tăng vốn điều lệ tại Vietnam Airlines. Lưu ý rằng, đến thời điểm lập báo cáo hợp nhất năm 2021, Vietnam Airlines chưa cung cấp cho SCIC báo cáo tài chính hợp nhất quý IV - lũy kế cả năm nên SCIC đã sử dụng số liệu của quý III của Vietnam Airlines.

Tại thời điểm cuối quý III/2021, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines chỉ còn 1.475 tỷ đồng - tương ứng giá trị thuần mà SCIC ghi nhận theo tỷ lệ sở hữu là 457 tỷ đồng. Trong quý IV, Vietnam Airlines lỗ thêm hơn 1.100 tỷ dẫn đến vốn chủ chỉ còn 507 tỷ đồng, đồng nghĩa SCIC sẽ phải ghi nhận giảm thêm hơn 300 tỷ lợi nhuận.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV của Vietnam Airlines thì lũy kế cả năm 2021, hãng hàng không này lỗ sau thuế 13.338 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 12.966 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của SCIC đạt 57.691 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2020. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm phần lớn lên đến 44.650 tỷ đồng, chiếm 77,4% cơ cấu tài sản và các khoản đầu tư tài chính dài hạn là 12.399 tỷ đồng, chiếm 21,5%. Lợi nhuận chưa phân phối của SCIC âm 4.499 tỷ đồng trong khi đến cuối năm 2020 vẫn dương 1.482 tỷ đồng.

Về công tác tiếp nhận và quản trị vốn, tính đến 31/12/2021, danh mục của SCIC có 145 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 46.542 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 147.649 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường của danh mục đạt trên 200.000 tỷ đồng (khoảng trên 8,6 tỷ USD).

Về công tác bán vốn, đến 31/12/2021, SCIC đã thực hiện công bố thông tin bán vốn tại 10 doanh nghiệp, trong đó đấu giá thành công tại 6 doanh nghiệp. Cũng trong năm, SCIC đã triển khai nghiên cứu một số cơ hội đầu tư, như dự án hợp tác với Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas); dự án xây dựng trụ sở của Tổng công ty và Chi nhánh miền Trung; Quỹ khoa học công nghệ của SCIC tài trợ cho hoạt động khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Dự án khu công nghiệp kỹ thuật cao Chân Mây, Cảng Cái Mép Hạ - Bà Rịa Vũng Tàu, Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, dự án Thành lập quỹ đầu tư với Mirae Asset, dự án đường cao tốc khu vực phía Nam,...

Chủ tịch HĐTV SCIC Nguyễn Chí Thành cho biết thêm, hiện nay SCIC đã hoàn thành dự thảo Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, thời gian tới SCIC định hướng chuyển đổi sang mô hình Quỹ đầu tư chính phủ với nhiệm vụ trọng tâm chuyển dần từ tiếp nhận, quản trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn.

Trong vai trò là một nhà đầu tư chính phủ, SCIC sẽ cung cấp "vốn mồi" để tăng cường, thu hút vốn của các định chế tài chính lớn, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt có tính chất lan tỏa trong nền kinh tế như các lĩnh vực hạ tầng giao thông quan trọng (cảng biển, đường cao tốc); các dự án trong ngành năng lượng, viễn thông…

Cùng chuyên mục
Tin khác