Vì sao Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tự nhận 'nghiêm khắc phê bình'?
Đức Thọ -
01/06/2020 07:21 (GMT+7)
(VNF) - Từ tháng 10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết, "đến hết năm 2019 phải thực hiện thu phí không dừng trên tất cả các tuyến quốc lộ đầu tư theo hợp đồng BOT", tuy nhiên, mục tiêu này đã "lỡ hẹn" và rất có thể trong năm 2020, mục tiêu trên cũng chưa thể hoàn thành.
"Hứa"... nhưng chưa thực hiện được
Còn nhớ, giữa tháng 8/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành "tái chất vấn" việc triển khai thực hiện nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã hỏi: "Chính phủ đặt ra quyết tâm đến ngày 31/12/2019 sẽ hoàn thành toàn tuyến với 44 trạm và 620 làn. Nhưng ngày 30/12 bộ trưởng làm việc với Tổng cục Đường bộ thì mới triển khai 29 trạm với 161 làn, bằng 26%, vậy có thực hiện được mục tiêu đặt ra không?".
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Thể nêu lại chỉ đạo của Thủ tướng là đến hết ngày 31/12, tất cả các trạm đều phải áp dụng. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư BOT. Tư vấn đã có sẵn, việc còn lại tùy thuộc sự sẵn sàng của chủ đầu tư trong việc thực hiện, phối hợp.
Thậm chí ông Thể còn nói: "Đến ngày 31/12/2019 sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm phu thí nếu không thu phí tự động không dừng. Bộ kiểm tra tiến độ hằng tháng để nhà đầu tư không thể nói là bị bất ngờ. Nhà đầu tư chây ì thì phải chấp nhận".
Nhưng tiến độ đặt ra đã không thành hiện thực. Đến nay, báo cáo của Chính phủ cho thấy trên toàn quốc có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc, trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 19 trạm. Hiện đã lắp đặt vận hành từ 2-6 làn ETC tại 39 trạm.
Ngoài ra, hiện có 6/19 trạm địa phương quản lý đã đầu tư và kết nối dự án giai đoạn 1, có 6 trạm đồng thuận kết nối với dự án giai đoạn 2 nên có thể vận hành ngay khi dự án giai đoạn 2 hoàn thành. Còn lại 7/19 trạm các địa phương tự tổ chức thực hiện vẫn chưa hoàn thành.
Đâu là nguyên nhân chủ quan?
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, đối với 74 trạm BOT do Bộ GTVT quản lý, Bộ chia hệ thống trạm thu phí BOT thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 áp dụng với quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, một số tuyến cao tốc và quốc lộ khác. tTổng số trạm thuộc phạm vi dự án là 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác.
Trong giai đoạn nay đã lắp đặt vận hành từ 2-6 làn ETC tại 39 trạm bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác (việc lăp đặt toàn bộ các làn ETC thực hiện theo lộ trình phù hợp với lưu lượng phương tiện tham gia dịch vụ ETC).
Tuy nhiên, khó khăn lại nằm ở 5 tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chỉ có 1 tuỵến cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị; 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc về về nguồn vốn (Hiệp định vay vốn các dự án của VEC đã hết hạn) và chỉ đạo thực hiện (do VEC chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ tháng 11/2018) nên không thể hoàn thành trong năm 2019.
Giai đoạn 2 (dự án BOO2) tổng số trạm thuộc phạm vi dự án là 33 trạm cũng có nhiều vướng mắc, hiện vẫn đang xây dựng phương án triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành trong năm 2020.
Theo báo cáo, tiến độ thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đặc biệt tiến độ thực hiện tại các dự án do VEC quản lý còn nhiều vướng mắc nên 4/5 dự án đến nay chưa tổ chức lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng.
Số lượng xe dán tem thu phí không dừng cũng chưa đạt được như yêu cầu với số lượng còn rất nhỏ (gần 900.000 xe).
Ngoài nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan đầu tiên được nêu là do dự án thu phí tự động không dừng theo hình thức Hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) là hình thức đầu tư mới, phức tạp, liên quan đến lợi ích nhiều chủ thể trong khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa có kinh nghiệm thực tế nên trong quá trình tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 còn có một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Kinh nghiệm các cá nhân tham gia thực hiện, quản lý, giám sát dự án gần như chưa có nên trong quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh các tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án cũng thuộc về nguyên nhân chủ quan.
Bộ trưởng, Thứ trưởng và 30 cá nhân 'nghiêm túc phê bình'
Trước những chậm trễ triển khai thu phí không dừng, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động trong thời gian qua.
Theo kết quả kiểm điểm, 8 tập thể có liên quan đều nghiêm túc kiểm điểm, trong đó 4 đơn vị trực tiếp liên quan đến quá trình triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc và rút kinh nghiệm.
"Bộ trưởng và thứ trưởng phụ trách dự án kiểm điểm tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm". Ngoài ra, còn 30 cá nhân thuộc các cơ quan, đơn vị có liên quan có bản kiểm điểm trách nhiệm về việc chậm tiến độ.
Báo cáo của Chính phủ đặt quyết tâm cơ bản hoàn thành hệ thống thu phí tự động không dừng trong năm 2020.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.