Thị trường

Vì sao giá dịch vụ tài lai dắt tại Quảng Bình cao nhất cả nước?

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình cho biết: Do đặc thù ít đơn hàng, nên hoạt động tàu lai dắt tại Quảng Bình chỉ thực hiện thuê theo chuyến từ Hà Tĩnh, Đà Nẵng hoặc Quảng Ngãi vào lai dắt. Vì thế, giá dịch vụ tàu lai tại Quảng Bình cao nhất cả nước từ 28 triệu -30 triệu đồng/2 lượt ra vào”.

Vì sao giá dịch vụ tài lai dắt tại Quảng Bình cao nhất cả nước?

“Địa phương không có DN đầu tư tàu lai dắt”

Trước đó, cuối tháng 4/2020, một số doanh nghiệp (DN) vận tải biển kiến nghị việc thu phí tàu lai dắt khu vực miền Trung cao gấp nhiều lần so với khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh.

“Cụ thể, như Cảng Hòn La (Quảng Bình), phí lai dắt một lượt vào - ra là 30 triệu đồng, khu vực cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) là 18 - 22 triệu đồng. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn, giá dịch vụ lai dắt sẽ được điều chỉnh giảm xuống bằng mức giá tại Hải Phòng, Quảng Ninh (khoảng 11 - 14 triệu đồng)”, DN vận tải biển kiến nghị.

Liên quan về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tùng chia sẻ: Cảng biển Quảng Bình hiện có 4 bến cảng gồm Cảng Gianh, Cảng Thắng Lợi, Cảng Xăng dầu Sông Gianh, Cảng Hòn La, trong đó chỉ duy nhất bến cảng Hòn La có tàu thuyền sử dụng dịch vụ lai dắt hỗ trợ, tần suất trung bình 10 chuyến/tháng.

Tuy nhiên, do nguồn thu dịch vụ này không đủ bì đắt chi phí nên tại địa phương không có doanh nghiệp nào đầu tư tàu lai để kinh doanh dịch vụ lai dắt.

Trước tình hình đó, mỗi khi có tàu thuyền thuộc đối tượng phải sử dụng tàu lai dắt đến cảng, doanh nghiệp Cảng Hòn La phải hợp đồng thuê tàu lai từ Hà Tĩnh, Đà Nẵng hoặc Quảng Ngãi đến lai dắt theo đơn đặt hàng từng chuyến”.

Do phải điều động từ xa nên dẫn đến chi phí phát sinh nhiều buộc doanh nghiệp đã phải áp dụng mức thu tối đa nằm trong khung giá quy định tại Thông tư 54/2018/TT-BGTVT.

Tuy nhiên,  do tần suất sử dụng thấp nên nguồn thu từ dịch vụ này chỉ đủ đảm bảo bù đắp chi phí quản lý, khai thác phương tiện.

“Doanh nghiệp cảng biển cũng xác định việc cung cấp dịch vụ tàu lai dắt chỉ với mục đích phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng  thu hút tàu thuyền đến cảng, là một khâu để nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Tùng nói.

Sẽ điều chỉnh giá tàu lai hỗ trợ DN vận tải biển

Trước đó, để hỗ trợ DN vận tải biển trên tuyến nội địa, ngày 17/4/2020, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) đã ký văn bản gửi các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hảng hải cùng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ lai dắt về việc điều chỉnh giảm giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Tại văn bản này, Cục Hàng hải VN đề nghị các cảng vụ hàng hải trực tiếp làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng biển tại khu vực thống nhất thực hiện việc điều chỉnh giảm giá dịch vụ hoa tiêu, giá dịch vụ lai dắt và giá dịch vụ cầu, bến phao neo trong phạm vi mức giá tối thiểu và mức giá tối đa theo quy định tại Thông tư số 54/2018 của Bộ GTVT (mức giá dịch vụ, đối tượng áp dụng, thời gian áp dụng).

Riêng giá dịch vụ lai dắt tàu biển, Cục Hàng hải VN khuyến khích các doanh nghiệp điều chỉnh tùy vào khả năng của từng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Đức Tùng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT và Cục HHVN về việc điều chỉnh giảm giá lai dắt tàu thuyền trên tuyến nội địa, tại Quảng Bình, doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm 11% tổng chi phí dịch vụ tàu lai (bao gồm chi phí  lai dắt và điều động tàu lai) cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động trên tuyến nội địa, thời gian áp dụng từ 1/5/2020.

Còn theo ông Đặng Văn Ba, Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, "Hiện cảng vụ đã vận động 6 DN tàu lai dắt đang hoạt động tại Nghi Sơn giảm 10% giá dịch vụ cho các DN vận tải biển. Hiện các DN này đã đồng ý giảm giá. Cảng vụ đã có văn bản báo cáo Cục hàng hải Việt Nam".

Tin mới lên