Vì sao lãi hợp nhất của EVN tăng gấp rưỡi bất chấp Covid-19?
Thanh Long -
23/06/2021 10:33 (GMT+7)
(VNF) - Doanh thu thuần chỉ tăng 2,1% nhưng lợi nhuận sau thuế của EVN tăng tới 49% lên 14.480 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 vừa công bố.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2020 vừa công bố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận tới 14.480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm vừa qua, tăng tới 49% so với năm 2019 bất chấp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tương đương tăng 4.760 tỷ đồng.
Trên thực tế, doanh thu thuần của EVN chỉ tăng nhẹ 2,1% trong năm 2020, lên 403.282 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ giá vốn chỉ tăng 1,4% nên sau khi cân đối doanh thu - giá vốn, lợi nhuận gộp còn lại của EVN đạt 54.558 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2019, tương đương tăng 3.520 tỷ đồng.
Song song, doanh thu tài chính của EVN cũng tăng mạnh 31% lên 5.198 tỷ đồng, tương đương tăng 1.225 tỷ đồng, chủ yếu dó lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng.
Ngược lại, phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết giảm 14% xuống 430 tỷ đồng, tương đương giảm 68 tỷ đồng. Các khoản lợi nhuận khác cũng giảm 6,7% xuống 239 tỷ đồng, tương đương giảm 17 tỷ đồng.
Về phía chi phí, chi phí tài chính tăng không đáng kể, chỉ 1,9% lên 22.917 tỷ đồng, tương đương tăng 422 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng 21% lên 8.603 tỷ đồng, tương đương tăng 1.469 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 0,3% xuống 13.589 tỷ đồng, tương đương giảm 46 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổng chi phí thuế giảm tới 70% xuống 835 tỷ đồng, tương đương giảm 1.944 tỷ đồng. Chỉ riêng mức giảm chi phí thuế này đã "cân" lại được toàn bộ phần tăng thêm của chi phí tài chính và chi phí bán hàng.
Như vậy, giá vốn tăng chậm hơn doanh thu thuần, doanh thu tài chính tăng mạnh và chi phí thuế giảm mạnh là 3 yếu tố chính giúp EVN báo lãi sau thuế tăng gấp rưỡi trong năm 2020.
Tính đến hết năm 2020, tổng tài sản của EVN lên tới 729.451 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,1% sau một năm. Đáng chú ý, lượng tiền và tương đương tiền lên đến 55.236 tỷ đồng (nhiều khả năng phần lớn là tiền gửi ngân hàng), đồng thời có tới 87.232 tỷ đồng là các khoản đầu tư ngắn hạn đến ngày đáo hạn (nhiều khả năng chủ yếu là tiền gửi ngân hàng); cũng nghĩa là EVN có thể có khoảng 140.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, chiếm khoảng 19% tổng tài sản.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của EVN đến hết năm 2020 là 240.195 tỷ đồng, nợ phải trả là 489.256 tỷ đồng (trong đó 386.452 tỷ đồng là nợ vay, chiếm 79% nợ phải trả).
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone