Diễn đàn VNF

Vì sao ngành công nghệ đất hiếm Việt Nam chưa phát triển?

Đất hiếm ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các ngành công nghiệp và tương lai của thế giới.

Vì sao ngành công nghệ đất hiếm Việt Nam chưa phát triển?

Thăm dò đánh giá trữ lượng đất hiếm hơn 40 năm nay, vì sao ngành công nghệ đất hiếm Việt Nam chưa phát triển?

Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam vào khoảng 22 triệu tấn. Các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm lantan – ceri), có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc.

Theo thông tin từ Bộ Khoa học Công nghệ, phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học “Đất hiếm Việt Nam: Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng" do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam phối hợp Bộ KH&CN tổ chức mới đây, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như: thông tin - viễn thông, y tế, năng lượng, giao thông - vận tải, quân sự...

Mặc dù giá trị giao dịch của đất hiếm trên thế giới hiện nay chỉ dưới 10 tỷ USD một năm, nhưng đây lại là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển.

Ý thức được tầm quan trọng của đất hiếm, Đảng và Nhà nước ta đã cho thăm dò đánh giá trữ lượng từ hơn 40 năm nay. Tuy vậy, đến nay hoạt động này còn hạn chế.

Cùng với nguyên nhân về thị trường tiêu thụ, một trong những nguyên nhân chính là chúng ta chưa có công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm. Mà đây lại là lĩnh vực các nước giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ.

Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh cho rằng đất hiếm là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia.

Các báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã làm rõ thêm các vấn đề mang tính cốt lõi đối với sự phát triển của đất hiếm Việt Nam như: Vai trò, tiềm năng của đất hiếm Việt Nam, nhu cầu trong nước và thế giới, khả năng làm chủ công nghệ cũng như những tác động đến môi trường của hoạt động khai thác, chế biến đất hiếm… đồng thời đã kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.

Chia sẻ tình hình nghiên cứu về đất hiếm tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, PGS. TS Hoàng Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Khoa học vật liệu cho hay, đối với lĩnh vực đất hiếm, Viện Khoa học vật liệu là một trong những đơn vị nghiên cứu đầu tiên trong cả nước.

Những nghiên cứu định hướng khai thác chế biến, ứng dụng khoáng sản đất hiếm đã được Nhà nước đầu tư qua các chương trình KH&CN và từ các chương trình của Viện Hàn lâm KH&CN đã đạt được những kết quả khả quan.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành công nghệ đất hiếm vẫn chưa phát triển như mong muốn, nguyên nhân do đầu tư cho KH&CN vào lĩnh vực này chưa đủ và không tập trung; lĩnh vực ứng dụng đất hiếm chưa tìm được vị trí xứng đáng trong nền kinh tế thị trường.

Để thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành công nghệ đất hiếm Việt Nam, PGS. TS Hoàng Anh Sơn đề xuất, trong thời gian tới, Nhà nước cần đặc biệt chú trọng đến chế biến đất hiếm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; phân chia, làm sạch các oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ nghiên cứu và sản xuất, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường.

GS Nguyễn Quang Liêm, Viện Khoa học Vật liệu cho biết đất hiếm là nguyên liệu quan trọng dùng để sản xuất các linh kiện trong điện thoại di dộng, pin năng lượng, mô tơ điện hiệu suất cao, tivi màn hình phẳng, thiết bị quốc phòng và các công nghệ năng lượng sạch khác. Đất hiếm ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các ngành công nghiệp và tương lai của thế giới.

Để nghiên cứu khai thác đất hiếm, theo GS Nguyễn Quang Liêm, cần triển khai xây dựng các dự án và phòng thí nghiệm nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến, đánh giá tác động môi trường, xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác và chế biến sâu đất hiếm ở Việt Nam, ứng dụng trong những sản phẩm công nghiệp có giá trị cao.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao sự tâm huyết, những ý kiến nhận xét, đánh giá xác đáng, xuất phát từ thực tiễn, có cơ sở của các diễn giả và các đại biểu tham dự Hội thảo.

Bộ trưởng cho rằng, với sự quyết tâm của cộng đồng các nhà khoa học, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ chủ động được công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và chế biến sâu đất hiếm phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo môi trường. Qua đó khẳng định được vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển ổn định, bền vững của đất hiếm Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, với sự quyết tâm của cộng đồng các nhà khoa học, chúng ta sẽ chủ động được công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và chế biến sâu đất hiếm.

Bộ trưởng cho biết, những ý kiến của các nhà khoa học sẽ được nghiên cứu tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, qua đó đề xuất một số giải pháp KH&CN phục vụ khai thác, chế biến đất hiếm Việt Nam một cách hợp lý, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển.

Tin mới lên