Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ chip bán dẫn?

Đức Huy - 03/06/2024 09:15 (GMT+7)

(VNF) - Giám đốc Intel Việt Nam nhận định ngành sản xuất chip bán dẫn trong nước còn gặp nhiều khó khăn do chưa có phương hướng cụ thể.

Ngành công nghiệp chip bán dẫn được đánh giá là một trong những mảnh đất màu mỡ có thể đem lại tiềm năng rất lớn cho các nước. Tuy nhiên, để có thể tham gia sân chơi này, Việt Nam cần có nhiều sự chuẩn bị hơn để tránh tình trạng đẽo cày giữa đường. Đây là nhận định của ông Phùng Việt Thắng, giám đốc Intel Việt Nam tại buổi tọa đam nhân dịp ra mắt bản tiếng Việt sách Chip War - cuộc chiến vi mạch (Chris Miller).

Hơn cả một cuộc chiến công nghệ

Theo chia sẻ từ ông Lê Minh Quốc (người tham gia dự án làm chip điện tử cho căn cước công dân), dù bắt đầu sản xuất chip tại Việt Nam từ những năm 1982, phải đến thương vụ cuối cùng trong sự nghiệp của mình, ông mới nhìn nhận thấy việc phát triển chip bán dẫn có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia như nào.

Ảnh: Ag5.

Vị kỹ sư này cho biết, chip điện tử trong căn cước công dân có một công nghệ bảo mật đỉnh cao khác hoàn toàn so với những loại chip khác trong thẻ ngân hàng hay các loại thẻ cá nhân. Trước khi được cài đặt vào căn cước, con chip này đã phải trải qua cuộc kiểm tra nghiêm ngặt để chắc chắn rằng chúng sạch sẽ, không có vấn đề gì.

Quá trình kiểm tra này khiến ông Quốc hiểu rằng việc tự sản xuất chip có thể giúp Việt Nam bảo mật thông tin quốc gia, thông tin cư dân tốt hơn, tránh các rủi ro không đáng có khi nhập chip từ những quốc gia khác. Về lâu dài, việc phát triển ngành này còn giúp phát triển các lĩnh vực khác như thiết kế ứng dụng, trí tuệ nhân tạo, tính toán, đô thị hóa theo hướng Internet vạn vật.

Ông Phạm Sỹ Thành (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc) tại tọa đàm hôm 2/6.

“Cuộc chiến chip bán dẫn còn có thể nhìn nhận từ góc độ an ninh và bảo mật quốc gia. Ở góc độ vi mô hơn, việc tự sản xuất chip có thể giúp người dân tránh được các rủi ro về việc bị rò rỉ thông tin cá nhân cũng như tích hợp thêm các tính năng khi đi ra nước ngoài”, ông Lê Minh Quốc nhận định.

Tuy nhiên, sản xuất chip không phải đến từ nỗ lực của một nước, một cá nhân hay doanh nghiệp có thể làm được. Ông Phùng Việt Thắng chỉ ra rằng để tạo ra một con chip cần chuỗi sản xuất lớn, mỗi nước có thể phụ trách một công đoạn khác nhau. Trong đó, có nước chỉ có thể phụ trách được một khâu trong cả quy trình.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra ví dụ về Mỹ và các nước châu Âu sẽ phụ trách phần thiết kế chip, khi gia công lại phải trông cậy vào tay nghề từ lực lượng lao động tại khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

“Việt Nam cần phải xác định mình có thể làm được gì, tham gia vào khâu nào trong chuỗi sản xuất đó, tránh tình trạng làm theo phong trào, đẽo cày giữa đường. Lợi thế trong nước lớn nhất là nguồn lao động dồi dào, nhưng ta cần một bộ lọc tốt hơn ở tầm vĩ mô bởi sản xuất chip là ngành công nghệ cao, luôn đòi hỏi những bộ não có chuyên môn sâu”, Giám đốc Intel Việt Nam chia sẻ.

ng Phùng Việt Thắng, giám đốc Intel Việt Nam chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Đức Huy.

Các ngành khoa học cơ bản bị xem nhẹ

Tại buổi ra mắt sách, các chuyên gia đều nhận định rằng để phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn cần những giải pháp sau: Phát triển các ngành khoa học cơ bản, tạo ra cơ chế chính sách phù hợp cho doanh nghiệp tham gia và Nhà nước có sự tham gia bằng các chiến lược cụ thể để thúc đẩy thị trường.

Trong đó, vấn đề phát triển các ngành khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa, Sinh, đang gặp phải nhiều khó khăn. Nguyên nhân là chúng không đủ sức hút khi tuyển sinh. Vì vậy, nhiều người lại chọn những môn khoa học công nghệ “ăn xổi” để dễ dàng tìm việc làm hơn.

“Ngành công nghệ cao như sản xuất chip gắn chặt với nghiên cứu khoa học cơ bản. Nhờ đó, doanh nghiệp mới nghiên cứu và ứng dụng được sáng chế mới”, ông Phùng Việt Thắng cho biết.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Việt Hải (Giám đốc công ty công nghệ SNS) đưa ra quan điểm rằng chip bán dẫn phụ thuộc khoa học cơ bản nhưng hiện tại chúng đang bị xem nhẹ. Vì không có nền tốt, Việt Nam khó tìm ra một thị trường ngách trong cuộc chiến chip bán dẫn để đi vào.

"Còn rất nhiều thách thức ngành sản xuất chip phải đối mặt. Dù vậy, sau nhiều thập kỷ phát triển, có thể nhận định rằng sự tiến bộ của khoa học cơ bản đóng vai trò cốt lõi trong việc phát triển các công nghệ, vật liệu mở đường cho ngành bán dẫn phá vỡ giới hạn", ông Việt Hải nhận định.

Bên cạnh vấn đề về khoa học cơ bản, hai vị chuyên gia trên đã có cơ hội trao đổi với tác giả cuốn sách Chip War. TS Chris Miller còn chỉ ra AI cũng sẽ góp phần thúc đẩy việc sản xuất chip bán dẫn và ngược lại. Tuy nhiên, trong tương lai, không ai có thể dự đoán được giới hạn cho sự phát triển của ngành này.

Theo znews.vn
Cùng chuyên mục
Tin khác