Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc

Lê Anh - 25/09/2020 13:47 (GMT+7)

(VNF) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc (LHQ).

VNF
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Ngày 24/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thông điệp quan trọng gửi Phiên thảo luận chung Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng LHQ.

Trong thông điệp quan trọng lần đầu tiên gửi Phiên thảo luận chung cấp cao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ đánh giá cho rằng cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi LHQ được thành lập, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế, xã hội, chính trị và trên hết là đối với cuộc sống của con người.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh LHQ cần được tiếp tục cải tổ để thực sự là tổ chức gắn kết, là "vườn ươm" cho những sáng kiến, ý tưởng hợp tác đa phương vì hoà bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới; kêu gọi tôn trọng và đề cao Hiến chương LHQ và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, kiên trì thực hiện hợp tác, hữu nghị thay cho xung đột và thù địch, đối thoại thay cho đối đầu, giải quyết hoà bình các tranh chấp thay cho hành động đơn phương, áp đặt; đồng thời, cộng động quốc tế cần hợp tác hơn nữa để cùng vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với LHQ, phát huy vai trò là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021, góp phần xây dựng xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thông điệp tới Phiên thảo luận chung Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 25/9. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cùng các nước thành viên cũng đang hết sức nỗ lực để xây dựng một khu vực hoà bình, hữu nghị và hợp tác; cam kết duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tuân thủ các nguyên tắc kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hoà bình, bao gồm các tiến trình pháp lý và ngoại giao.

Nhắc lại sự kiện lịch sử cách đây đúng 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định chính cuộc đấu tranh bền bỉ của Việt Nam giành và bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước là những đóng góp cụ thể cho sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ cảm ơn đối với sự ủng hộ của các nước, bạn bè quốc tế dành cho sự nghiệp đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình và đang phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả tích cực, thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; đã và sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Xem thêm >> Việt Nam kêu gọi đoàn kết để không ai bị bỏ lại phía sau

Cùng chuyên mục
Tin khác