Tài chính

Vietravel Airlines ra mắt: Trong chán, ngoài thèm?

(VNF) - Sự ra đời của Vietravel Airlines có thể ví như "đi ngược chiều gió". Ở Việt Nam, mặc dù dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, song vẫn khó có thể đưa ra một dự báo lạc quan vào lúc này...

Vietravel Airlines ra mắt: Trong chán, ngoài thèm?

Vietravel Airlines ra mắt: Trong chán, ngoài thèm?

Mới đây, Vietravel Airlines - hãng hàng không lữ hành đầu tiên của Việt Nam đã chính thức ra mắt tại TP.HCM. Theo dự kiến, hãng hàng không này sẽ bắt đầu mở bán vé từ đầu tháng 1/2021.

Vietravel Airlines đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, đủ điều kiện thực hiện dự án khai thác vận tải hàng không trong 50 năm, trên 30 máy bay, bao gồm các đối tượng vận chuyển như hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu kiện...

Dự án Vietravel Airlines được khởi động từ đầu năm 2018, tuy nhiên trải qua quá trình xét duyệt của các cấp có thẩm quyền, đến tháng 4/2020 Vietravel Airlines mới được Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư dự án.

Sau đó, đến cuối 10/2020 Vietravel Airlines được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Đến nay, Vietravel Airlines mới chỉ có 1 máy bay A321 CEO, dự kiến sẽ nhận thêm 4 chiếc máy bay nữa, chia làm 2 đợt là vào tuần đầu của tháng 1 và tháng 6/2021.

Tổng giám đốc Vietravel Airlines, ông Vũ Đức Biên cho biết, hãng hàng không lữ hành này ra đời trong bối cảnh khá đặc biệt, do có sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 cho nên gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, điều này cũng đem lại cơ hội mới khi chi phí đầu vào được tiết giảm, thêm vào đó, về dài hạn, thời điểm dịch bệnh qua đi sẽ là lúc để phát triển.

"Nếu trước thời điểm dịch bệnh rất khó thuê được máy bay tốt giá rẻ, khó thuê được lao động chất lượng cao như phi công, kỹ thuật máy bay… thì đến nay chúng tôi đã dễ dàng thuê được với chi phí phải chăng, chưa kể các chi phí khác cũng giảm như xăng dầu, dịch vụ", ông Biên chia sẻ.

Trong chán, ngoài thèm?

Sự ra đời của Vietravel Airlines có thể ví như "đi ngược chiều gió". Ở Việt Nam, mặc dù dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, song vẫn khó có thể đưa ra một dự báo lạc quan vào lúc này.

Hiện tại các đường bay quốc tế gần như bị đóng băng, do dịch bệnh vẫn bùng phát ở nhiều nước, cá biệt còn có những khu vực tình hình rất căng thẳng, đơn cử như Vương quốc Anh mới phát hiện thêm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, hay như Mỹ đã vượt mốc 19 triệu ca mắc và hơn 330.000 trường hợp tử vong...

Có thể thấy, thị trường nội địa là "cứu tinh" duy nhất của các hãng hàng không vào lúc này, từ Vietnam Airlines cho đến Bamboo Airlines đều đang tích cực mở mới hàng loạt các đường bay kết nối địa phương với địa phương.

Dẫu vậy, việc khôi phục các chuyến bay nội địa và hình thành thêm các tuyến bay trong nước mới vẫn rất khó lòng "vá lấp" được nguồn thu mà thị trường quốc tế - chiếm đến hơn một nửa doanh thu vận tải của các hãng hàng không để lại.

Không chỉ "chật chội" về thị phần, việc dồn tải thị trường quốc tế sang nội địa khiến các hãng hàng không lao vào cuộc chạy đua giảm giá vé chưa từng có. Điều này chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các hãng, khi giá bán ngang giá vốn do các chi phí cố định khó lòng tiết giảm thêm.

Chưa kể đến việc vận tải hàng không nội địa cũng gánh thêm áp lực cạnh tranh tới từ vận tải đường thủy, đường bộ hay đường sắt khi các doanh nghiệp vận tải này cũng đang đưa ra rất nhiều ưu đãi, khuyến mại và giảm giá nhằm kích cầu đi lại của khách hàng.

Và mới đây, đứng trước hoàn cảnh khó khăn và khốc liệt, các hãng hàng không quen mặt trong nước đã cùng "xin" cứu trợ từ chính phủ, mặc dù đã có những gói hỗ trợ về thuế, phí ban hành từ trước.

Đối với Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia này còn buộc phải triệu tập một cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường ngay trước khi kết thúc năm tài chính 2020 (ngày 29/12), phản ánh phần nào sự quan trọng và gấp rút của việc kêu gọi các cổ đông hiện hữu cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhằm hỗ trợ thanh khoản và bù đắp những thiệt hại đang gánh chịu (một trong những nội dung chính của đại hội).

Đáng nói, trước khi có động thái này, Vietnam Airlines đã được chính phủ, với vai trò là cổ đông nhà nước đồng ý giao cho Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng, qua đó giúp Vietnam Airlines được tiếp cận một khoản tín dụng có quy mô dưới 4.000 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, kết quả kinh doanh quý IV của Vietnam Airlines vẫn tiếp tục gặp khó và chưa có sự cải thiện đáng mừng. Theo báo cáo tài chính mới nhất được công bố hồi tháng 10, lũy kế 9 tháng năm nay, doanh thu thuần của Vietnam Airlines giảm gần 57% xuống còn 32.410 tỷ đồng.

Trừ đi các chi phí gần như cố định, khó lòng giảm thiểu, Vietnam Airlines báo lỗ trước thuế hơn 10.500 tỷ đồng. Kết quả kém tích cực đã đánh bay khoản lãi lũy kế hơn 2.600 tỷ đồng tính đến hồi cuối năm 2019 và bào mòn vốn chủ sở hữu xuống 6.610 tỷ đồng, chỉ còn 1/3.

Cảnh "thê lương" của Vietnam Airlines cũng là trường hợp mà Bamboo Airways, hay Vietjet Air đang gặp phải, mặc dù xét về số lỗ có phần nhẹ nhàng hơn.

Hệ sinh thái dịch vụ lữ hành hàng không Vietravel liệu có "sải cánh"?

Với sự ra đời của Vietravel Airlines, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel, UPCoM: VTR) chính thức trở thành doanh nghiệp du lịch đầu tiên tại Việt Nam khép kín hệ sinh thái dịch vụ lữ hành hàng không.

Chủ tịch HĐQT Vietravel và Vietravel Airlines, ông Nguyễn Quốc Kỳ từng chia sẻ: "Trải qua một phần tư thế kỷ, Vietravel đã trưởng thành và phát triển thành một thương hiệu quốc gia hàng đầu về lữ hành. Sự ra đời của Vietravel Airlines như một lời cam kết, khẳng định vị thế và vai trò của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch Việt Nam, chắp cánh thương hiệu Việt bay cao và xa hơn ra thế giới".

Kỳ vọng là như vậy, thế nhưng để thực hiện hóa được giấc mộng của Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ quả thực là không dễ dàng.

Việc xây dựng một hệ sinh thái lữ hành hàng không khiến Vietravel chịu tác động "kép", trong khi ngành hàng không được "tiên lượng" kém tích cực là vậy, thì ngành du lịch chủ đạo của công ty còn đang vất vả gấp nhiều lần.

Dưới tác động của đại dịch, Vietravel đang gặp khá nhiều khó khăn về tình hình làm ăn trong năm nay. Kết quả kinh doanh 9 tháng cho thấy, doanh thu của công ty đã giảm đến 75%, chỉ vỏn vẹn còn 1.457 tỷ đồng.

Trong khi đó, các khoản vay nợ khiến chi phí tài chính gia tăng gấp 7 lần cùng giai đoạn năm trước, lên mức 70 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí vận hành vẫn neo ở ngưỡng cao, Vietravel báo lỗ trước thuế hơn 73 tỷ đồng.

Kết quả này gần như đánh bay khoản lợi nhuận lũy kế đến nay, khiến vốn chủ sở hữu lại càng thêm mỏng, xuống còn 203 tỷ đồng.

Trong khi đó, tính đến cuối tháng 9, nợ phải trả của Vietravel đã gấp 7,5 lần vốn chủ sở hữu, cho thấy áp lực trả lãi vay ngày càng đè nặng lên doanh nghiệp, tồn tại rủi ro khá lớn về tài chính.

Đáng nói, những năm gần đây khi chưa có sự xuất hiện của Covid-19, mặc dù doanh thu của doanh nghiệp luôn duy trì ở ngưỡng 5.000 - 7.000 tỷ đồng, song lợi nhuận chỉ đì đẹt ở mức 50 - 70 tỷ đồng mỗi năm.

Kiếm 100 lãi 1, thêm vào đó hiệu suất sinh lời này khá khiêm tốn so với nguồn vốn cả nghìn tỷ đồng mà doanh nghiệp đang huy động, cho thấy doanh nghiệp hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Vietravel vốn đã lao đao là vậy, giờ lại "đèo bòng" thêm Vietravel Airlines - được lãnh đạo hãng dự đoán đến năm thứ hai mới có thể báo lãi (trong trường hợp sớm hết dịch) thì thời điểm giấc mộng "sải cánh vươn cao" của ông Nguyễn Quốc Kỳ thành hiện thực vẫn là một ẩn số.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VTR chào sàn UPCoM từ cuối tháng 9/2019 với giá tham chiếu là 40.000 đồng/cổ phiếu và tăng trần 40% ngay trong phiên đầu tiên, lượng cầu áp đảo lượng cung bán ra nhỏ lẻ.

Ít ngày sau VTR đạt đỉnh hơn 92.000 đồng, tuy nhiên sau đó nhanh chóng rớt xuống vùng 57.000 đồng/cổ phiếu. Hiện nay, cổ phiếu VTR đang được giao dịch ở mức 38.000 đồng/cổ phiếu.

Tin mới lên