Viettel tại Myanmar làm ăn ra sao trước khi bị Facebook cáo buộc chi 1,2 triệu USD chơi xấu đối thủ?

Ngọc Lưu - 15/02/2020 07:09 (GMT+7)

(VNF) - Myanmar là thị trường thứ 10 và là thị trường có quy mô lớn nhất, dân số đông nhất trong tất cả các thị trường nước ngoài mà Viettel đã đầu tư. Thương hiệu Viettel tại Myanmar là thương hiệu viễn thông đang có tốc độ tăng trưởng lớn nhất tại đất nước này.

VNF
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần đến thăm trụ sở Viettel tại Myanmar.

Dính cáo buộc dùng tiền để chơi xấu đối thủ

Ngày 14/2, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chính thức lên tiếng trước những cáo buộc của Facebook về việc đã chi khoảng 1,2 triệu USD để tạo các trang, nhóm và tài khoản Facebook giả mạo để "nói xấu" đối thủ.

Facebook cho biết các tài khoản giả mạo này đã chia sẻ các ghi chú, tin tức nhằm hạ thấp uy tín của các công ty viễn thông khác tại thị trường Myanmar. Bên cạnh đó, các tài khoản còn loan tin về những thất bại trong kinh doanh và kế hoạch rút lui khỏi thị trường của một số nhà mạng, thậm chí là các hoạt động lừa đảo của các nhà mạng này với khách hàng của họ.

Facebook cũng đăng tải một vài bài đăng điển hình về việc Mytel (công ty mà Viettel sở hữu 49% vốn) sử dụng tin giả để công kích đối thủ cạnh tranh. Trong đó có bài đăng cáo buộc ví điện tử của đối thủ là "ăn cướp chuyên nghiệp", đã được 6 trang trong mạng lưới trên đăng tải chỉ trong khoảng 3 phút.

Một bài đăng khác được Facebook lấy làm ví dụ là bài đăng kêu gọi cộng đồng công kích việc một nhà mạng tại Myanmar bỏ chương trình khuyến mại cho thuê bao mới và khuyến mại nạp thẻ.

Trước những cáo buộc này, đại diện Viettel khẳng định đang tiến hành kiểm tra các cáo buộc trên, sẵn sàng hợp tác với Facebook và sẽ tiến hành xử lý nếu phát hiện sai phạm.

Đại diện Viettel tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của Facebook làm trong sạch môi trường mạng. Do đó, Viettel kỳ vọng chiến dịch của Facebook sẽ không dừng lại ở các nước và các tổ chức được nêu trong thông báo trước đó.

Đồng thời, Viettel mong muốn Facebook sẽ hướng dẫn các công ty chấp hành đúng các quy định với tinh thần hợp tác, tránh đơn phương đưa ra các cáo buộc.

Từ số 0 đến nhà mạng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất Myanmar sau 1,5 năm

Trước khi xuất hiện những cáo buộc này, thương hiệu Viettel tại Myanmar là một trong những thị trường nước ngoài thành công nhất mà Viettel đã đầu tư.

Quay ngược về lịch sử hình thành, ngày 8/9/2016, Viettel và 2 đối tác của Myanmar đã ký hợp đồng liên doanh, chính thức đặt nền móng cho các hoạt động của dự án. Tên chính thức của liên doanh là Telecom International Myanmar (tên thương hiệu là Mytel).

Đến thời điểm hiện tại, đây là thị trường thứ 10 và là thị trường có quy mô lớn nhất, dân số đông nhất trong tất cả các thị trường nước ngoài mà Viettel đã đầu tư.

Theo thông tin từ Viettel cung cấp, chỉ sau 1 năm phát triển cơ sở hạ tầng, Mytel trở thành mạng di động đầu tiên phủ sóng 4G toàn quốc tại Myanmar góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng Viễn thông Myanmar.

Với công nghệ 4G, Mytel cung cấp một hệ sinh thái kỹ thuật số từ các dịch vụ VAS đến các giải pháp công nghệ thông tin, giúp đưa Myanmar trở thành một quốc gia kỹ thuật số.

Sau 1 năm kể từ ngày chính thức cung cấp dịch vụ vào tháng 6/2018, Mytel vươn lên chiếm gần 17% thị phần viễn thông di động và đứng thứ 3 trên thị trường Myanmar. 3 nhà mạng khác tại quốc gia này là MPT, Telenor và Ooredoo lần lượt nắm khoảng 41%, 28,4% và 13% thị phần.

Thậm chí, theo điều tra của Kantar Media, một công ty nghiên cứu thị trường của Anh, Mytel còn là nhà mạng được yêu thích nhất tại Myanmar.

Sau 1,5 năm chính thức kinh doanh, Mytel đã chính thức cán mốc 8 triệu khách hàng, chiếm 22% thị phần viễn thông di động. Qua đó, công ty đứng thứ 3 thị trường và trở thành một trong những thương hiệu viễn thông có tốc độ tăng trưởng lớn nhất tại Myanmar.

Trong năm 2019, Mytel liên tục duy trì tăng tưởng ổn định với con số 4-5% sau mỗi tháng. Ước tính năm 2019, tổng doanh thu của Mytel đạt 104% so với kế hoạch năm.

Theo báo cáo kinh doanh mới đây của Viettel, thị trường Myanmar đạt kết quả khả quan kéo lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tăng hơn 530 tỷ lên 368 tỷ đồng cùng với diễn biến tỷ giá tích cực đã giúp chi phí tài chính giảm hơn 400 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Viettel Global đạt 2.154 tỷ đồng, tăng 2.300 tỷ so với mức lỗ 150 tỷ của năm 2018 và là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng lợi nhuận này chủ yếu là do thị trường Myanmar đi vào hoạt động ổn định kéo lợi nhuận của công ty liên kết tăng gần 1.800 tỷ so với năm 2018.

Mới đây nhất, Viettel cũng đã công bố tiến hành thử nghiệm 5G tại Myanmar và trở thành nhà mạng đầu tiên ra mắt công nghệ này tại Myanmar.

Xem thêm >>> Viettel nói gì khi bị Facebook cáo buộc đã chi 1,2 triệu USD để chơi xấu đối thủ?

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.