Tài chính

Vinamilk từ đối tác thành đối thủ, 'đế chế mía đường' Thành Thành Công sẽ ứng phó ra sao?

(VNF) - Vinamilk thâu tóm Công ty Cổ phần Đường Việt Nam - Vietsugar (tên gọi mới của Đường Khánh Hòa) để khép kín chuỗi cung ứng, đồng nghĩa với việc chuyển từ đối tác sang đối thủ cạnh tranh với Thành Thành Công. "Đế chế" mía đường của đại gia Đặng Văn Thành đang được đặt trước bài toán mới.

Vinamilk từ đối tác thành đối thủ, 'đế chế mía đường' Thành Thành Công sẽ ứng phó ra sao?

Khi khách hàng lớn thành đối thủ lớn

Dù không có con số chính xác về giá trị đơn hàng mà Thành Thành Công cung ứng đường cho Vinamilk mỗi năm nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, tại các cuộc họp Đại hội cổ đông của Thành Thành Công, đơn vị này vẫn tự hào là nhà cung cấp đường cho hàng loạt các "ông lớn" trong ngành giải khát, bánh kẹo như Pepsi, Vinamilk, Kinh Đô, Tân Hiệp Phát, Trung Nguyên… 

Chính vì vậy, việc Vinamilk bỏ ra trên dưới 1.000 tỷ đồng mua lại 65% vốn của Vietsugar để chủ động nguyên liệu sản xuất, là một thông tin "kém vui" đối với Thành Thành Công.

Thêm vào đó, việc Vinamilk dự kiến nâng công suất hiện tại của Vietsugar từ 10.000 tấn mía/ngày, luyện độc lập đường thô 1.500 tấn/ngày, lên 15.000 tấn mía/ngày và luyện đường thô độc lập 2.000 tấn/ngày trong thời gian tới càng khiến Thành Thành Công phải tính toán lại chiến lược của mình về vùng nguyên liệu khi một doanh nghiệp con của Thành Thành Công là Công ty TNHH MTV Đường Biên Hoà - Ninh Hoà cũng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh này.

Rõ ràng, những thông tin trên đã góp phần khiến cho cổ phiếu SBT (Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa) nhà ông Đặng Văn Thành liên tục "đỏ sàn" vài phiên gần đây, hiện giá cổ phiếu SBT chỉ còn 20.200 đồng/cổ phiếu.

Dĩ nhiên, không thể đổ hết nguyên nhân khiến cổ phiếu SBT giảm mạnh (mất hơn 50% trong gần 3 tháng nay), từ mức giá trên 41.000 đồng/cổ phiếu xuống mức giá hiện tại là bởi vì Vinamilk bởi không riêng Thành Thành Công mà hàng loạt các doanh nghiệp ngành mía đường khác cũng đang gặp vô vàn khó khăn thời gian qua khi lượng đường tồn kho tăng mạnh.

Doanh nghiệp sản xuất không thể bán được đường do các đối tác tiêu thụ chờ sang năm 2018 để mua giá rẻ khi Việt Nam chính thức thực hiện lộ trình Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Nhưng rõ ràng, việc Vinamilk tấn công vào mảng đường sẽ làm Thành Thành Công có thêm một "đối thủ" đầy tiềm năng.

Vì sao Thành Thành Công phải "dè chừng" với Vinamilk? Hiện quy mô sản xuất đường của Thành Thành Công gồm 9 nhà máy đường (Thành Thành Công Gia Lai; Đường Nước Trong; Mía đường Tây Ninh; Đường Biên Hòa - Ninh Hòa; Đường Biên Hòa - Phan Rang...) với công suất ép hơn 30.000 tấn mía/ngày.

Mục tiêu của Vinamilk nâng công suất Vietsugar lên 15.000 tấn mía/ngày và luyện đường thô độc lập 2.000 tấn/ngày rõ ràng đã tương đương với khoảng 50% công suất so với Thành Thành Công. Khi đó, cạnh tranh về vùng nguyên liệu mía sản xuất giữa 2 doanh nghiệp sẽ khá căng thẳng. Chưa kể, lợi thế là một doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam sẽ giúp Vinamilk tìm kiếm các khách hàng lớn.

"Đế chế" Mía đường Thành Thành Công của đại gia Đặng Văn Thành đang đứng trước nhiều thách thức

"Nước cờ" của Thành Thành Công

Trước tình hình cạnh tranh ngày càng khó khăn, mới đây, SBT quyết định sẽ gia tăng quy mô vốn dự kiến thêm khoảng 885,6 tỷ đồng (thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ). Đối tượng mà SBT nhắm tới là cả nhà đầu tư tài chính lẫn nhà đầu tư cùng ngành. 

Đặc biệt, để thu hút dòng vốn nước ngoài, SBT quyết định mở room tối đa 100% cho nhà đầu tư ngoại và điều chỉnh ngành nghề kinh doanh. Song song với đó, để củng cố niềm tin với nhà đầu tư, SBT đã thông qua kế hoạch mua vào tương đương 15% vốn điều lệ SBT làm cổ phiếu quỹ.

Công ty Đầu tư Thành Thành Công cũng dự kiến nâng sở hữu lên 36% vốn điều lệ SBT, còn bà Đặng Huỳnh Ức My, thành viên Hội đồng Quản trị SBT cũng sẽ tăng sở hữu lên 15% mà không cần chào mua công khai; nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% vốn điều lệ ở SBT... Đây đều là những chiến lược cốt lõi mà SBT đang triển khai nhằm củng cố vị thế ngành đường của mình tại Việt Nam.

Những chiến lược này dự kiến sẽ giúp SBT đạt 515.000 tấn đường tiêu thụ, 9.900 tỷ đồng doanh thu và 680 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong niên độ 2017-2018, tương đương tăng trưởng lần lượt 168% về lượng tiêu thụ, 120% về doanh thu và 85% về lợi nhuận trước thuế.

Chia sẻ về chiến lược tăng trưởng này tại Đại hội đồng cổ đông ngày 20/11, bà Đặng Huỳnh Ức My, cho rằng, bên cạnh sản xuất kinh doanh đường trong nước, SBT còn xuất khẩu đường sang Brunei, Trung Quốc, Indonesia... 

Đồng thời, STB cũng triển khai thương mại đường nhập khẩu, sản xuất sản phẩm sau đường như mật rỉ, điện, nước đóng chai, sản xuất đường phèn, đường organic... và đẩy mạnh mảng điện mặt trời để tiết giảm chi phí, có thêm nguồn thu. 

Đặc biệt, việc đầu tư chiến lược tại Công ty Mía đường Hoàng Anh Gia Lai ở Lào sẽ giúp SBT hạ giá thành, cạnh tranh với hàng nhập khẩu cũng như kiểm soát rủi ro.

"Nếu có biến động về nguồn nguyên liệu, SBT có thể nhập đường từ Lào về tinh luyện vì từ năm 2018, đường từ Lào nhập về sẽ không bị áp hạn ngạch, càng tạo điều kiện cho SBT phát triển", bà My nói.

"Riêng về mô hình điều hành, SBT quyết định bỏ Ban kiểm soát, thay vào đó thành lập Ban kiểm toán nội bộ, trực thuộc Hội đồng Quản trị. Đây cũng là mô hình hội đồng quản trị phù hợp thông lệ quốc tế và đã được một số doanh nghiệp Việt Nam như Vinamilk, Coteccons... thực hiện. "SBT định hướng sẽ niêm yết trên sàn ngoại nên SBT phải tổ chức quản trị, vận hành công ty theo các tiêu chuẩn quốc tế", bà My thông tin thêm.

Tin mới lên