Vingroup lập thêm một công ty công nghệ, vốn điều lệ 300 tỷ đồng

Thanh Long - 12/01/2019 08:13 (GMT+7)

(VNF) - Diễn biến này tiếp nối một loạt động thái thành lập công ty mới trong lĩnh vực công nghệ trước đó, nhằm hiện thực hóa chiến lược 10 năm của Vingroup: công nghệ là số 1, công nghiệp là số 2, thương mại dịch vụ là số 3.

VNF
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng định hướng trở thành tập đoàn công nghệ

Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup vừa công bố quyết định về việc thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Vindigix. Ngành nghề kinh doanh chính của Vindigix là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin.

Công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp của Vingroup là 240 tỷ đồng, chiếm 80% vốn điều lệ Vindigix.

Được biết, người đại diện pháp luật của Vindigix là bà Lê Mai Tuyết Trinh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển VinTech.

Diễn biến này tiếp nối một loạt động thái thành lập công ty mới trong lĩnh vực công nghệ trước đó, nhằm hiện thực hóa chiến lược 10 năm của Vingroup: công nghệ là số 1, công nghiệp là số 2, thương mại dịch vụ là số 3.

Hồi tháng 11/2018, Vingroup đã đưa ra nghị quyết về việc thành lập 4 công ty con với tổng vốn điều lệ 390 tỷ đồng.

Cụ thể, Vingroup quyết nghị thành lập Công ty TNHH Dịch vụ An ninh mạng VINCSS với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, do Vingroup sở hữu 100%. Ngành nghề kinh doanh chính là nghiên cứu, phát triển an ninh mạng.

Thứ hai là Công ty TNHH Giải pháp và Dịch vụ Công nghệ VinConnect với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, do Vingroup sở hữu 100%. Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin.

Thứ ba là Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh phần mềm HMS với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, do Vingroup sở hữu 100%. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất phần mềm.

Thứ tư là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Phúc An với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó Vingroup sở hữu 85%. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản và dịch vụ lưu trú.

Theo chiến lược phát triển của Vingroup, ở mảng công nghệ, tập đoàn này xác định nhiều mũi nhọn để có thể thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ, trong đó có ba điểm chính. Đầu tiên là tập trung đầu tư đội ngũ nhân sự, hạ tầng để phát triển sản xuất phần mềm với việc thành lập Công ty VinTech, tách ra từ Công ty VinSmart.

Công ty VinTech sẽ tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới.

Công ty đã thành lập hai Viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (do ông Vũ Hà Văn, hiện là Giáo sư trường Đại học Yale, Mỹ làm Giám đốc khoa học) và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (do GS-TSKH Nguyễn Quốc Sỹ làm Viện trưởng).

Mũi nhọn thứ hai là tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City theo mô hình của thung lũng Silicon tại Hà Nội.

Mục tiêu của VinTech City là tạo ra hệ sinh thái toàn diện tương tự như thung lũng Silicon để phục vụ cho các công ty khởi nghiệp về CNTT, bao gồm từ các khu văn phòng làm việc tới chỗ ăn ở... và các công ty dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đi kèm.

Mũi nhọn thứ ba là lập Quỹ Đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu.

Ngoài việc được hỗ trợ về tài chính, các đối tác của Vingroup sẽ được sử dụng hệ sinh thái của Tập đoàn để tổ chức thực nghiệm và thương mại hóa các sản phẩm.

Ngoài ra, VinTech còn lập Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ ứng dụng nhằm hỗ trợ các dự án nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trong nước.

Quỹ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phong trào nghiên cứu và thực nghiệm các nghiên cứu khoa học công nghệ, góp phần nâng cao năng lực của các kỹ sư khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, để góp phần thúc đẩy sự đi lên của nền công nghệ và công nghiệp Việt Nam - Quỹ cũng sẽ hỗ trợ cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Vingroup hiện quy tụ được nhiều chuyên gia uy tín vào hội đồng khoa học của tập đoàn. Ngoài giáo sư Vũ Hà Văn còn có giáo sư Dương Nguyên Vũ (chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu trong lĩnh vực hàng không), giáo sư Ngô Bảo Châu, giáo sư Phan Dương Hiệu (chuyên gia hàng đầu về khoa học mật mã), giáo sư Trần Duy Trác (công tác tại đại học Johns Hopkins, chuyên về kỹ thuật điện và máy tính, đặc biệt là về xử lý tín hiệu), giáo sư Đỗ Ngọc Minh (chuyên về kỹ thuật điện và máy tính, đặc biệt là biểu diễn thông tin ảnh và video), giáo sư Đỗ Thục Quyên (chuyên gia hóa sinh)...
Cùng chuyên mục
Tin khác