VN-Index bật tăng sau loạt ‘tin tốt’: Thanh khoản cực thấp có phải vấn đề lớn?

Thanh Long - 01/07/2024 16:19 (GMT+7)

(VNF) – Không có sự phản ứng tích cực ngay lập tức sau khi đón nhận hàng loạt “tin tốt” liên quan đến nền kinh tế nhưng càng về sau, chỉ số VN-Index lại càng đi lên và kết phiên 1/7 có thêm hơn 9 điểm.

Trước khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán đón một loạt thông tin vĩ mô quan trọng trong nước. Theo nhận định của các chuyên gia, số liệu vĩ mô quý II/2024 đã tốt hơn kỳ vọng.

Cụ thể, GDP quý II/2024 tăng 6,93% so với cùng kỳ năm ngoái, đi ngược với một số dự báo thận trọng gần đây cho rằng tăng trưởng có thể thấp hơn mức tăng 5,87% của quý đầu năm. Bất ngờ lớn là số liệu xuất siêu tới hơn 2,94 tỷ USD trong cả tháng 6 (nửa đầu tháng 6 còn nhập siêu nhẹ).

Đáng chú ý, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6, so với mức 50,3 điểm của tháng 5. Kết quả này không chỉ cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, mà còn cho thấy các điều kiện kinh doanh đã thuận lợi hơn đáng kể.

Những số liệu trên khiến giới đầu tư kỳ vọng rằng chỉ số VN-Index sẽ bật tăng ngay phiên đầu tuần. Thực tế cho thấy, không có sự phản ứng tích cực ngay lập tức trong phiên 1/7 nhưng càng về sau, chỉ số VN-Index càng đi lên và kết phiên tăng 9,24 điểm, tương đương 0,74%, lên 1.254,56 điểm.

Không nằm ngoài dự báo, cổ phiếu hưởng lợi rõ rệt nhất từ đà phục hồi mạnh mẽ hơn kỳ vọng của nền kinh tế chính là nhóm ngành bán lẻ. Theo đó, VRE tăng kịch trần trong khi MWG tăng tới 5,45%, đồng thời là cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất trên sàn HoSE. Hỗ trợ cho nhóm ngành này còn có các thông tin như tăng lương cơ sở, giảm thuế giá trị gia tăng.

Gây bất ngờ trong phiên là sự khởi sắc khá mạnh mẽ từ nhóm ngành ngân hàng. Cổ phiếu các ngân hàng lớn đa số tăng mạnh, cụ thể: VCB tăng 1,06%, BID tăng 1,5%, CTG tăng 3,23%, VPB tăng 1,88%, MBB tăng 1,13%. Dẫu vậy, niềm vui chưa được trọn vẹn khi TCB giảm tới 3%.

Các nhóm ngành khác nhìn chung cũng giao dịch khả quan, trong đó tiêu biểu còn có cổ phiếu ngành dệt may.

Mặc dù nền kinh tế phục hồi tốt hơn kỳ vọng, chỉ số VN-Index bật tăng nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn còn nghi ngại khi thanh khoản phiên 1/7 ở mức rất thấp. Trên sàn HoSE, giá trị giao dịch khớp lệnh chỉ vỏn vẹn 11.892 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhìn lại lần tạo đáy gần nhất, thanh khoản khớp lệnh cũng ở mức rất thấp. Cụ thể, ở phiên 25/04/2024 – phiên giao dịch thứ 3 sau khi VN-Index tạo đáy ở 1.177,4 điểm vào ngày 23/04/2024, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE chỉ nhỉnh hơn một chút so với phiên hôm nay. Điều này cho thấy thanh khoản thấp chưa chắc đã là tín hiệu tiêu cực nhưng cũng không có nghĩa đây là tín hiệu tích cực.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.