Tài chính

VN-Index 'bốc hơi' 20 điểm với hàng chục mã giảm kịch sàn, VIC 'ngược dòng' bứt phá

(VNF) - Mặc dù VIC tăng khá mạnh 2,77% nhưng chỉ là "cánh én" trong bức tranh "rực lửa" toàn thị trường. Chỉ số VN-Index mất tới hơn 20 điểm, rời xa khỏi mốc 1.500 điểm với hàng chục mã giảm kịch sàn, trong đó có HSG, KBC, GEX.

VN-Index 'bốc hơi' 20 điểm với hàng chục mã giảm kịch sàn, VIC 'ngược dòng' bứt phá

VN-Index 'bốc hơi' 20 điểm với hàng chục mã giảm kịch sàn, VIC 'ngược dòng' bứt phá

Kết phiên 8/4, chỉ số VN-Index giảm 20,35 điểm, tương đương 1,35%, xuống 1.482 điểm. Trước đó, tính riêng trong quý I/2022, VN-Index đã 6 lần vượt qua mốc 1.500 điểm nhưng cứ mỗi lần vượt qua không bao lâu lại mất mốc này. Đến phiên giao dịch đầu quý II, VN-Index lại vượt qua mốc 1.500 điểm và giờ lại mất mốc này.

Trở lại với diễn biến phiên 8/4, VIC tăng 2,77% sau thông tin VinFast nộp hồ sơ IPO lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ, trở thành cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index.

Cổ phiếu bất động sản phân hóa rất rõ nét. Các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất như VHM, NVL, BCM đều tăng điểm nhưng không thấm vào đâu so với đà lao dốc của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn. Cụ thể, SCR giảm 3,5%, DXG giảm 3,61%, TCH giảm 4,04%, AGG giảm 4,67%, DXS giảm 5,62%, ITA giảm 5,94%; KBC, BCG, FLC, HTN, LHG, ROS đồng loạt giảm kịch sàn.

Cổ phiếu ngân hàng "đỏ lửa". Trên sàn HoSE, ngoại trừ ACB tăng và VCB đứng giá tham chiếu, toàn bộ cổ phiếu còn lại đều giảm, trong đó BID mất 2,67% giá trị, CTG giảm 1,54%, VPB giảm 2,51%, MBB giảm 1,48%, VIB giảm 3,64%, STB giảm 2,82%, SHB giảm 3,15%, EIB giảm 2,64%, HDB giảm 2,25%, LPB giảm 1,23%...

Cổ phiếu chứng khoán khả quan hơn. Mặc dù SSI giảm 2,38%, HCM giảm 0,86%, VCI giảm 2,1%, BSI giảm 3,05% nhưng VND lại tăng 0,29%, FTS tăng 1,15%, TVS tăng 1,78%.

Nhóm sản xuất diễn biến khá bi đát khi HPG giảm 0,32%, MSN giảm 1,66%, VNM giảm 1,53%, GVR giảm 3,99%, SAB giảm 1,38%, DGC giảm 3,14%, DPM giảm 1,39%, DCM giảm 3,64%, HSG giảm kịch biên độ... Số ít cổ phiếu tăng điểm gồm VHC, PHR, VCF, APH, đặc biệt là MSH tăng kịch trần.

Cổ phiếu bán lẻ cũng giao dịch tiêu cực khi MWG giảm 3,23%, PNJ giảm 0,52%, FRT giảm 2,83%. "Ông lớn" công nghệ FPT giảm khá sâu 3,09% sau thời gian liên tục phá đỉnh. Cổ phiếu năng lượng đồng loạt suy giảm khi GAS mất 2,3% giá trị, PLX giảm 0,71%, POW giảm 2,7% còn PGV giảm tới 4,07%.

Cổ phiếu hàng không phân hóa khi VJC tăng 1,02% còn HVN giảm 2,43%.

Đáng chú ý, các cổ phiếu liên quan đến đại gia Nguyễn Văn Tuấn và Tập đoàn Gelex tiếp tục giảm rất mạnh, như GEE giảm 6,36%; VGC, GEX, VIX (trên sàn HoSE) giảm kịch biên độ khoảng 7%; IDC (trên sàn HNX) giảm kịch biên độ 10%; PXL (trên sàn UPCoM) giảm 13,1%.

Toàn sàn HoSE có 92 mã tăng giá, 38 mã đứng giá tham chiếu và 370 mã giảm giá, trong đó có 25 mã giảm kịch sàn. Thanh khoản khớp lệnh ở mức trung bình, đạt 22.476 tỷ đồng.

Nếu xét trên toàn thị trường (cả sàn HoSE, HNX và UPCoM), có tới 64 mã giảm kịch sàn.

Tin mới lên