VN-Index trước áp lực đảo chiều: Trông chờ lực đỡ từ chỉ báo vĩ mô và môi trường lãi suất thấp

Thanh Long - 10/10/2020 09:36 (GMT+7)

(VNF) - SSI cho hay tăng trưởng kết quả kinh doanh, tín hiệu xuất khẩu tích cực trong quý III và hưởng lợi từ đầu tư công sẽ là ba chủ đề hỗ trợ mạnh cho giá cổ phiếu trong tháng 10 và nên được tích lũy ở vùng giá thấp vào các nhịp điều chỉnh.

VNF
VN-Index trước áp lực đảo chiều: Trông chờ lực đỡ từ chỉ báo vĩ mô và môi trường lãi suất thấp

Hầu hết nhóm ngành tăng điểm, thanh khoản trên 8.000 tỷ/ngày trong tháng 9

Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối tháng 9 tại 905,21 điểm, tiếp tục tăng 23,56 điểm (tương đương 2,67%) so với thời điểm cuối tháng 8.

Nhìn lại, chỉ số giằng co và lùi về dưới mốc tâm lý 900 điểm trong 2 tuần giao dịch đầu tiên của tháng. Mốc 900 điểm được chinh phục lại từ ngày 18/9 và đà tăng được đẩy mạnh sau đó giúp chỉ số ghi nhận tháng tăng điểm thứ 2 liên tiếp.

So với đầu năm, chỉ số VN-Index và VN30 chỉ còn giảm 4,3% và 0,9%, trong khi chỉ số VNMidcap và VNSmallcap đã lấy lại mức tăng trưởng dương, tương ứng đạt 9,8% và 10,5%.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI trong Báo cáo chiến lược thị trường tháng 10 công bố mới đây, các nhân tố tác động tích cực trong tháng 8 tiếp tục duy trì trong tháng 9 giúp thị trường cân bằng được trước cung chốt lời, bao gồm: môi trường lãi suất thấp; một lần nữa Việt Nam vẫn kiểm soát rất hiệu quả dịch Covid với quy mô và tốc độ lây lan phức tạp hơn so với đợt đầu năm; và EVFTA hiệu lực từ ngày 1/8 cũng là cột mốc rất quan trọng giúp củng cố niềm tin NĐT trên TTCK xuyên suốt quý III.

Hầu hết các nhóm ngành đều tăng điểm. Dẫn đầu là nhóm Vật liệu (tăng 8,4%), nhóm Tiêu dùng không thiết yếu (tăng 8,2%), nhóm Tài chính (tăng 6,1%) và nhóm Tiêu dùng thiết yếu (tăng 5,6%). Nhóm Tiện ích là nhóm duy nhất giảm nhẹ 0,2%.

Xét về cổ phiếu, nhóm tác động tích cực nhất đến VN-Index trong tháng bao gồm VNM, BCM, HPG, VIC, BHN, MWG, STB, TCB, GVR, MBB…

Môi trường lãi suất thấp tiếp tục khuyến khích dòng tiền tìm đến thị trường chứng khoán (TTCK). Giá trị giao dịch trung bình cho cả 3 sàn ghi nhận 8.000 tỷ đồng/ngày trong tháng 9, tăng 23,1% so với tháng 8 và tăng 68,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 9 tháng, giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 6.081 tỷ đồng, tăng trưởng tích cực 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các NĐTNN vẫn trong xu hướng bán ra với những phiên bán ròng liên tiếp, tuy nhiên tính chung đã mua ròng trở lại trong tháng 9 với giá trị 1.174 tỷ đồng sau 2 tháng bán ròng liên tiếp trước đó nhờ giao dịch mua thỏa thuận đột biến ở VHM vào ngày 9/10.

Động thái bán ròng của khối ngoại vẫn tập trung ở các cổ phiếu nhóm hóa lớn như HPG, VNM, BID, GAS… trong khi phía mua ròng bên cạnh VHM thì PLX, CTG, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, VRE, SSI là các mã được ưa chuộng.

Dòng vốn ETF duy trì xu hướng tích cực. Tháng 9 ghi nhận tháng thứ 5 liên tiếp có dòng tiền dương vào các ETF, với giá trị 531 tỷ đồng. Đóng góp lớn nhất là từ VNDiamond ETF (tăng 293 tỷ), VFM VN30 ETF (tăng 120 tỷ) và KIM Kindex Vietnam (tăng 122 tỷ), trong khi các ETF ngoại như VanEck và FTSE Vietnam giao dịch chậm lại.

Như vậy trong vòng 5 tháng, các ETF đã huy động thêm được 2.830 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm con số là 1.846 tỷ đồng, đóng góp lớn nhất là từ các ETF nội mới như VNDiamond ETF (tăng 1.870 tỷ), VNFin Lead (tăng 700 tỷ).

Áp lực đảo chiều tăng, VN-Index trông chờ lực đỡ từ chỉ báo vĩ mô và môi trường lãi suất thấp

Theo nhìn nhận của Công ty Chứng khoán SSI, diễn biến khó lường của dịch Covid-19 vào mùa đông sắp tới và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể tạo các rủi ro biến động tiềm ẩn cho TTCK thế giới và cả Việt Nam.

Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 130 điểm kể từ vùng đáy 780 điểm được xác lập vào ngày 27/7, bên cạnh đó, giá trị giao dịch khớp lệnh trong tháng 9 cũng đạt hơn 137 ngàn tỷ đồng, vượt qua giá trị giao dịch của tháng 6 và lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2018.

"Diễn biến này cho thấy áp lực chốt lời đang gia tăng khi chỉ số tiến về vùng điểm số cao", SSI nhấn mạnh.

Công ty chứng khoán này dự đoán thị trường khả năng sẽ có những biến động mạnh và xuất hiện một đợt đảo chiều vào những phiên nửa đầu tháng 10 để lùi về vùng hỗ trợ 880 điểm, trước khi đi lên trở lại từ mức này.

Theo SSI, các chỉ số vĩ mô đang tiến triển tích cực sẽ là bệ đỡ mạnh cho thị trường

Cụ thể, xuất khẩu và đầu tư công, hai động lực tăng trưởng kinh tế chính vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực trong quý III/2020. GDP Việt Nam tăng 2,62% trong quý III, cao hơn mức tăng trưởng 0,36% trong quý II/2020, qua đó giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng trong bối cảnh tăng trưởng ảm đạm chung của nền kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp được duy trì cũng sẽ một nhân tố quan trọng hỗ trợ cho TTCK trong thời gian tới.

SSI cho hay tăng trưởng kết quả kinh doanh, tín hiệu xuất khẩu tích cực trong quý III và hưởng lợi từ đầu tư công sẽ là ba chủ đề hỗ trợ mạnh cho giá cổ phiếu trong tháng 10 và nên được tích lũy ở vùng giá thấp vào các nhịp điều chỉnh.

PLC, C4G, DPG là các cổ phiếu mà công ty chứng khoán này ưa thích ở chủ đề đầu tư công; trong khi đó các cổ phiếu FPT, VNM sẽ có sức bật nhờ kết quả kinh doanh quý III; cùng với đó, HPG sẽ là cơ hội tốt cho nhà đầu tư ưa thích cả hai chủ đề trên. Với triển vọng tích cực từ xuất khẩu, thì VHC và PTB cũng đang cho tín hiệu tăng rõ nét.

Cùng chuyên mục
Tin khác