VNG giảm sở hữu tại công ty vận hành ZaloPay từ gần 100% xuống 60%
Minh An -
04/02/2020 15:28 (GMT+7)
(VNF) - Công ty Cổ phần VNG đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Zion – đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay, từ gần 100% xuống còn 60%. Đổi lại, VNG thu về hơn 464 tỷ đồng.
VNG vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, trong đó ghi nhận việc giảm tỷ lệ sở hữu tại Zion – công ty vận hành ZaloPay, từ gần 100% xuống còn 60%. Việc điều chỉnh này được thực hiện trong tháng 7/2019, khi Zion phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược ngoài VNG nhằm tăng vốn điều lệ.
Theo số liệu từ cơ quan đăng ký kinh doanh, Zion tăng vốn cuối tháng 7/2019 từ 367,4 tỷ lên 612,3 tỷ đồng. Tuy nhiên VNG - cổ đông lớn nhất của Zion - không tham gia đợt phát hành. Gần đây, Zion tiếp tục tăng vốn lên hơn 900 tỷ đồng.
Ví điện tử ZaloPay được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trung gian thanh toán từ năm 2016. ZaloPay đã tận dụng triệt để lợi thế từ tệp khách hàng mảng game của VNG và hàng triệu người dùng Zalo.
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, trong quý II/2019, ZaloPay là một trong 5 ví chiếm 95% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Cùng với việc phát triển quy mô và gia tăng thị phần, Zion cũng ghi nhận khoản lỗ tăng theo thời gian. Cái giá phải trả cho việc trở thành một trong những ví điện tử dẫn đầu thị trường là khoản lỗ tăng gấp gần 7 lần từ hơn 21 tỷ đồng năm 2017 lên 133,4 tỷ đồng năm 2018.
Hiện nay, thị trường Việt Nam có 32 trung gian thanh toán được NHNN cấp phép với gần 30 ví điện tử đang hoạt động, bao gồm: Napas, Vnpay, M_Service JSC, BankPay, Vietnam Online, Viet Union Corp, Vietnam Esports, ECPay, Zion (ZaloPay), VNPT Pay, Bảo Kim, Vimo, Viet Phu Payment, Công ty TNHH 1TV (VTC), Moca, Ví FPT, M-Pay, OnePay, Wepay, Ngân lượng, 1Pay, VNPT-Media, Vinid Pay, Viettel, Vinatti, Vimass, Smarrt net, Edenred, PayTech, Epay, FinViet, Mecorp.
Tuy nhiên, hầu hết các ví điện tử có thị phần lớn nhất đã nằm trọn trong tay nhà đầu tư ngoại.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 12/2019, Ant Financial, một công ty fintech của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, đã âm thầm mua một lượng cổ phần khá lớn trong công ty sở hữu ví điện tử eMonkey của Việt Nam là M.Pay.
Trước tình trạng các công ty nước ngoài dồn dập đầu tư vào các trung gian thanh toán Việt Nam với cổ phần chi phối, Ngân hàng Nhà nước đã có dự định siết room ngoại tại trung gian thanh toán về 49%, thay vì thả nổi như hiện nay.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.