VNPT sẽ dành 1 tỷ USD cho hoạt động M&A vì không thể tiến nhanh nếu đi một mình

Hữu Tuấn - 26/12/2018 08:29 (GMT+7)

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT chia sẻ phải M&A thì trong vòng 2-3 năm tới VNPT mới có thể cạnh tranh về công nghệ với các hãng lớn trên thế giới. Về mặt tài chính, từ nay tới năm 2025, Tập đoàn có thể dành ra 1 tỷ USD dành cho hoạt động M&A các doanh nghiệp công nghệ.

VNF
VNPT sẽ dành 1 tỷ USD cho hoạt động M&A vì không thể tiến nhanh nếu đi một mình.

Chia sẻ này được ông Hùng đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018 của Tập đoàn VNPT diễn ra mới đây.

Năm 2019, VNPT phấn đấu tăng trưởng lợi nhuận từ 10% đến 15% so với thực hiện năm 2018.  Doanh thu toàn tập đoàn phấn đấu tăng trưởng từ 7% đến 9% so với thực hiện năm 2018. Dự kiến, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu phấn đấu tăng từ 10-15% so với thực hiện năm 2018.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, trong chiến lược VNPT 4.0, tập đoàn cũng đã đặt ra mục tiêu này, có chiến lược rõ ràng. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là việc thực hiện các thương vụ M&A. M&A là một trong những giải pháp giúp VNPT hiện thực hóa chiến lược mở rộng thị trường quốc tế nhanh nhất. VNPT không thể tiến nhanh nếu đi một mình, phải hợp tác. Trước kia các thế hệ đi trước đã có các hợp đồng hợp tác BCC với các nhà khai thác quốc tế như NTT, France Telecom để có thể phát triển thị trường.

"Phải M&A thì trong vòng 2-3 năm tới VNPT mới có thể cạnh tranh về công nghệ với các hãng lớn trên thế giới. Về mặt tài chính, từ nay tới năm 2025, tập đoàn có thể dành ra 1 tỷ USD dành cho hoạt động M&A các doanh nghiệp công nghệ.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề vướng nhất của các doanh nghiệp nhà nước. Tập đoàn mong muốn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm sao có thể hỗ trợ để phân cấp mạnh hơn cho Hội đồng thành viên, trao thêm quyền trong việc quyết định hoạt động này. Tất nhiên, hoạt động M&A không phải là đơn giản, còn nhiều vấn đề liên quan tới đánh giá, định giá, phải thực hiện thông qua các hãng tư vấn quốc tế", ông Hùng cho biết.

Theo kế hoạch năm 2019, VNPT tiếp tục triển khai sắp xếp cơ cấu tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh theo Phương án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn 2018-2020 và chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn 2030 (Chiến lược VNPT4.0). VNPT cũng sẽ triển khai các công việc chuẩn bị cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT.

VNPT sẽ thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tập đoàn theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận, đột phá về năng lực cạnh tranh. Đồng thời xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng chuyển đổi số.

Năm 2019, VNPT sẽ đẩy mạnh triển khai dự án tại Myanmar (Liên doanh Stream Net), tập trung phát triển nhanh số lượng thuê bao và thúc đẩy các dịch vụ nội dung, dịch vụ số, công nghệ thông tin cả trên hạ tầng mạng của Liên doanh nói riêng và tại Myanmar nói chung.

Đồng thời, VNPT sẽ hoàn thành dự án E-Office cho Bộ Bưu chính viễn thông Lào, đồng thời thúc đẩy đưa giải pháp E-Office cho các Bộ/Ban/Ngành khác cũng như triển khai cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin tại Lào.

Cùng với đó, VNPT sẽ xúc tiến, nghiên cứu khả năng đầu tư vào lĩnh vực FTTx tại một số thị trường tiềm năng bao gồm: Indonesia, Nepal, Bangladesh, Philippines,…

"VNPT sẽ dần hoàn hiện tổ chức, tạo dựng khung khổ pháp lý, quy trình thủ tục và các nguồn lực, công cụ cần thiết để sẵn sàng triển khai hoạt động M&A tại cả thị trường trong nước và quốc tế", ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác