VNR muốn trở về Bộ Giao thông: ‘Đề xuất đi ngược với chủ trương cải cách’

Chi Lan - 29/03/2020 11:16 (GMT+7)

(VNF) - Việc gom 19 Tập đoàn, Tổng Công ty lớn của đất nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (CMSC) là chưa từng có trong tiền lệ. Điều này khiến CMSC phải gánh khối lượng công việc khổng lồ khi nắm giữ 2,3 triệu tỷ đồng vốn của các doanh nghiệp và phải xử lý 259 nhiệm vụ phức tạp tồn đọng. Sau 19 tháng hoạt động, CMSC đã hoàn thành 201 công việc, tuy nhiên còn nhiều bất cập chưa thể xử lý, từ đó nảy sinh chuyện có đơn vị đòi quay về Bộ chủ quản cũ, trường hợp như Tổng công ty đường sắt Việt Nam (

VNF

VNR muốn “quay đầu”

Nói về những khó khăn khi chuyển về CMSC, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết: “Khi chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì chúng tôi vẫn được giao nhiệm vụ vận hành, khai thác toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt hiện hữu. Nhưng, kết cấu hạ tầng đường sắt lại thuộc sự quản lý của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Việc này dẫn đến tình trạng “đầu đi chân ở lại””.

Theo ông Vũ Anh Minh, thời điểm trước khi VNR chưa chuyển về CMSC, việc giao dự toán ngân sách hàng năm được Bộ GTVT giao về trước tháng 12. Sau khi được giao dự toán, VNR sẽ thực hiện đặt hàng dịch vụ công ích với 20 công ty trực thuộc để thực hiện đảm bảo an toàn chạy tàu (gồm: tuần đường, gác chắn, duy tu, bảo trì, sửa chữa nhỏ…).

Tuy nhiên, sau khi VNR chuyển về CMSC, Bộ GTVT không thể thực hiện việc giao dự toán ngân sách theo cơ chế như trên do vướng Điều 49, Luật Ngân sách Nhà nước về phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước.

Từ  ngày 1/1/2020, do không được ký kết hợp đồng, khiến các đơn vị này không có tiền trả lương cho khoảng 10.000 người lao động, đặc biệt nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng.

“Nếu như trong quý I/2020, VNR tiếp tục không được giao dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), chúng tôi buộc phải báo cáo lên Chính phủ dừng chạy tàu vì không đảm bảo an toàn”, ông Minh nói.

Từ những bất cập đã gặp phải, VNR đã đề xuất được xin quay trở lại Bộ GTVT, điều này đang được Chính phủ, xem xét lấy ý kiến từ nhiều phía.

Không thể vì chút vướng mắc mà “xin về, xin đi”

Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các doanh nghiệp sau khi chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, song ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban cho rằng, “những vướng mắc cần được các cơ quan chức năng quan tâm, tháo gỡ, chứ không phải là xin quay trở về chỗ cũ”.

Trở lại với những khó khăn tại Tổng Công ty đường sắt, đại diện CMSC cho rằng trước hết cần phải đánh giá đúng, việc vướng mắc trong phê duyệt phí bảo trì hạ tầng đường sắt không phải do chuyển giao VNR về Ủy ban. 

Tổng công ty ĐSVN về Ủy ban từ ngày 29/9/2018 theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP, trong khi, Bộ GTVT trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính vẫn giao dự toán NSNN năm 2019 cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt và không có việc vướng mắc khi đã chuyển giao VNR về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, thì các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đều có thể đặt hàng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức, đơn vị, các cá nhân hành nghề độc lập... Ví như trường hợp VNR và Bộ GTVT phải triển khai đầy đủ các thủ tục đặt hàng. Việc đấu thầu là công khai, minh bạch theo các quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

"Về phía CMSC, để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, chúng tôi đã báo cáo với Chính phủ. Mới đây, tại Phiên họp thường kỳ tháng 3/2020 thông qua Nghị quyết của Chính phủ đã tiếp tục giao vốn NSNN năm 2020 cho VNR thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt như năm 2019 trở về trước", ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Hoàng Anh khẳng định: “Việc thành lập CMSC là quyết định quan trọng của Bộ Chính trị. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Nay chỉ vì một hai vướng mắc mà xin quay trở lại là không được; đưa đi, đưa về đơn giản quá, không đúng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước”.

Tránh tình trạng "xin-cho"

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định: đề xuất được trở về Bộ Giao thông vận tải (GTVT) của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) là không đúng và thể hiện sự trì trệ của nội bộ ngành đường sắt.

Được bàn giao về CMSC, VNR có một năm ở giai đoạn chuyển tiếp nhưng không chịu đổi mới mô hình tổ chức theo quy định của luật. Thay vào đó, doanh nghiệp vẫn loanh quanh ở mô hình cũ để được thực hiện theo cơ chế giao vốn như trước đây, không muốn đấu thầu công khai minh bạch và đề xuất sửa luật, sửa Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ cho phù hợp với mô hình của mình.

Ông Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ: "Vướng mắc việc giao vốn không phải từ Bộ GTVT xuống VNR mà từ VNR xuống 20 công ty con. Trong khi 20 công ty này là công ty cổ phần nên theo quy định của pháp luật phải tổ chức đấu thầu, trong khi VNR lại muốn "có quyền" giao vốn cho các đơn vị trên".

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Theo các chuyên gia kinh tế, đề xuất của doanh nghiệp quay lại bộ chủ quản là đi ngược với chủ trương cải cách đã được khẳng định tại Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của DNNN, nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty lớn.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và là người tham gia xây dựng Đề án thành lập CMSC cho rằng, nếu đồng ý với đề xuất của VNR nghĩa là quay lại cơ chế “xin - cho” mà chúng ta muốn từ bỏ.

Hiện đang có những văn bản, quy định vênh nhau, không tương thích, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, cần phải sửa đổi nhưng phải tuân thủ đúng nguyên lý vận hành của cái mới, xu thế mới, không thể vì vướng mà quay trở lại con đường cũ mà vì nó, nền kinh tế đã phải mất rất nhiều thời gian và chi phí để sửa lỗi.

Cùng chuyên mục
Tin khác