Volkswagen rút khỏi khu vực Tân Cương của Trung Quốc sau 12 năm
(VNF) - Volkswagen và đối tác liên doanh SAIC Motor đang chuyển giao một nhà máy lắp ráp và đường thử xe tại thủ phủ Urumqi của khu tự trị Tân Cương, nơi những người ủng hộ nhân quyền đã nêu lên mối lo ngại về việc sử dụng lao động cưỡng bức.
Volkswagen ngày 27/11 cho biết họ đang thanh lý cổ phần tại các cơ sở của mình ở khu vực Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. Volkswagen có một nhà máy lắp ráp liên doanh tại Urumqi và hai đường thử xe trong khu vực.
Nhà máy lắp ráp này không chỉ trở thành gánh nặng chính trị đối với VW mà còn là một khoản lỗ vì nó được thiết kế để sản xuất ô tô chạy bằng xăng. Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển xe điện trong bốn năm qua và một nửa số xe được bán tại Trung Quốc hiện là xe điện chạy bằng pin hoặc xe hybrid cắm điện.
Điều đó khiến các nhà sản xuất như VW, công ty dẫn đầu tại thị trường Trung Quốc cho đến gần đây, ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
"Người tiêu dùng Trung Quốc coi VW là ông vua của quá khứ, thời đại mà các thương hiệu toàn cầu thống trị tối cao", ông Michael Dunne, một cố vấn ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc cho biết.
Theo ông Dunne, ngày nay, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc thờ ơ với các sản phẩm của VW. Họ thích những sản phẩm mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn với giá thành rẻ hơn từ các thương hiệu trong nước.
Nhà máy lắp ráp đã không sản xuất ô tô kể từ năm 2019. VW và đối tác liên doanh do nhà nước Trung Quốc sở hữu, SAIC Motor, hiện sử dụng chưa đến 200 công nhân tại Tân Cương, những người thực hiện khâu chuẩn bị cuối cùng cho xe để giao cho các đại lý VW ở miền tây Trung Quốc.
Chính quyền thành phố Thượng Hải sở hữu SAIC Motor, công ty cũng sản xuất xe thương hiệu MG và đang nhanh chóng mở rộng xuất khẩu.
VW cho biết quyền sở hữu nhà máy lắp ráp và đường thử đang được liên doanh chuyển giao cho Trung tâm kiểm định xe cơ giới Thượng Hải, thuộc sở hữu của một bộ phận khác của chính quyền Thượng Hải. Chi tiết cụ thể của thương vụ này hiện chưa được tiết lộ.
VW và SAIC đã xây dựng nhà máy lắp ráp tại Urumqi vào năm 2012 và 2013 để sản xuất ô tô chạy bằng xăng giá rẻ để bán ở miền tây Trung Quốc. Volkswagen đã cố gắng tuyển dụng nhiều người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm dân tộc chủ yếu theo đạo Hồi ở Tân Cương.
Những bức tường cao kéo dài hàng trăm mét của các tòa nhà công nghiệp tại nhà máy lắp ráp của Volkswagen ở trung tâm khu vực Tân Cương từng là biểu tượng của sức mạnh công nghiệp của Đức. Giờ đây, chúng lại trở thành chỉ dấu cho sự sa lầy trong kinh doanh - cái kết buồn cho một tập đoàn 87 năm tuổi.
VW đã phải đối mặt với cáo buộc của các nhà hoạt động ở nước ngoài rằng họ đã sử dụng lao động cưỡng bức để xây dựng đường thử gần Urumqi. VW đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận điều này.
Đầu năm nay, hàng nghìn ô tô Audi và khoảng 1.000 chiếc Porsche cũng như hàng trăm xe Bentley đã bị tạm giữ tại các cảng của Mỹ sau khi chính quyền nước này phát hiện một bộ phận trong những chiếc xe được cho là được chế tạo thông qua lao động cưỡng bức ở Khu tự trị Tân Cương, miền Tây Trung Quốc.
Theo luật năm 2021 có tên là Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) của Mỹ, hàng nhập khẩu từ khu vực Tân Cương bị cấm do cho rằng chúng được thực hiện bằng lao động cưỡng bức.
Những rắc rối của Volkswagen tại Trung Quốc đang ảnh hưởng đến toàn bộ công ty. Mức giảm 10,2% về số lượng xe bán ra tại Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay đã xóa sạch toàn bộ mức tăng doanh số của công ty tại các thị trường còn lại trên thế giới.
Toàn bộ doanh số bán hàng trên toàn thế giới của tập đoàn đã giảm nhẹ do hậu quả này và công ty đã công bố vào ngày 29/10 rằng lợi nhuận của công ty đã giảm mạnh trong quý III.
Công ty có thể phải đóng cửa các nhà máy ở Đức lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của mình, một phần là do sự cạnh tranh từ Trung Quốc.
VW dự định tung ra một đợt ra mắt sản phẩm mới từ năm 2026 và đưa 18 mẫu xe mới của các thương hiệu cốt lõi Volkswagen và Audi ra thị trường cùng với Saic vào cuối thập kỷ này. Trong số đó, 15 mẫu xe sẽ dành riêng cho thị trường Trung Quốc.
Đến năm 2030, Tập đoàn VW đặt mục tiêu bán được 4 triệu xe mỗi năm. kỳ vọng đạt được 15% thị phần tại Trung Quốc.
Từng là 'vua', Volkswagen đã ‘vấp ngã’ tại Trung Quốc như thế nào?
- Tham vọng thành ‘trung tâm tài chính toàn cầu’ của Thượng Hải đã sụp đổ thế nào? 27/11/2024 02:34
- Mexico cảnh báo ông Trump gây ra 'hậu quả kinh tế khủng khiếp' 27/11/2024 11:15
- Đồng Rúp lao dốc, kinh tế bấp bênh: Nước Nga bất ổn từ bên trong? 27/11/2024 08:30
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.