M&A

Vụ Grab mua lại Uber Đông Nam Á: Thứ trưởng Bộ GTVT nói gì?

(VNF) - Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, không chỉ có Uber, Grab cung cấp công nghệ kết nối vận tải mà có đến cả chục doanh nghiệp đang làm việc này, vậy nên không còn cạnh tranh giữa Uber và Grab thì sẽ có cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khác, không thể là độc quyền

Vụ Grab mua lại Uber Đông Nam Á: Thứ trưởng Bộ GTVT nói gì?

Với việc mua lại Uber Đông Nam Á, nhiều ý kiến cho rằng Grab sẽ đứng ở thế độc quyền giá cước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Tại cuộc họp báo quý I/2018, trả lời các câu hỏi liên quan đến việc Grab mua Uber liệu có khiến người sử dụng thiệt thòi vì chỉ còn độc quyền, mất tính cạnh tranh hay không, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Trần Bảo Ngọc cho biết việc quản lý cạnh tranh, xác định có độc quyền hay không được thực hiện theo Luật Cạnh tranh. Cơ quan tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này là Bộ Công thương.

"Hiện tại Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương đã vào cuộc. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp toàn bộ hồ sơ về vụ mua bán này. Phía Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, đặc biệt là người dân theo đúng chức trách nhiệm vụ của mình", ông Trần Bảo Ngọc khẳng định.

Đồng tình với ý kiến của Vụ trưởng Trần Bảo Ngọc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định, theo Luật Doanh nghiệp thì việc Uber, Grab sáp nhập là quyền tự do của doanh nghiệp.

"Lo ngại về độc quyền là chính đáng. Tuy nhiên, hiện tại không chỉ có Uber, Grab cung cấp những giải pháp công nghệ kết nối vận tải mà đang có đến cả chục doanh nghiệp, trong đó cả những hãng taxi truyền thống cũng đã bắt đầu sử dụng công nghệ để điều hành, quản lý cũng như kinh doanh vận tải khách nên không còn cạnh tranh giữa Uber và Grab thì sẽ có cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khác, không thể là độc quyền", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Về quyền lợi của người lái xe Uber, Thứ trưởng cũng cho hay Bộ Giao thông vận tải với tư cách cơ quan quản lý nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa người lao động trong phạm vi chức trách tuy nhiên, Bộ không thể can thiệp vào hợp đồng, thỏa thuận dân sự của người lái xe với Grab và Uber.

Với việc mua lại Uber Đông Nam Á, Grab đã trở thành ông chủ lớn duy nhất ở thị trường Đông Nam Á khiến nhiều đối tác của Grab lẫn Uber lo lắng… Không những thế, nhiều ý kiến cho rằng Grab sẽ đứng ở thế độc quyền giá cước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đại diện Grab Việt Nam đã lên tiếng về vấn đề này. Cụ thể, CEO Grab Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng việc sáp nhập sẽ "tốt hơn" cho người tiêu dùng trong lâu dài.

"Bây giờ khách hàng có thể rất vui khi được khuyến mãi nhiều, nhưng một công ty không bao giờ có thể khuyến mãi suốt đời. Và khách hàng sẽ sốc khi không còn khuyến mãi nữa. Do đó, để công ty hoạt động có lời, phát triển bền vững, giá cả hợp lý, ổn định lâu dài… sẽ tốt hơn cho khách hàng", ông Tuấn Anh nói.

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội – ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, khi Grab thâu tóm xong Uber, nguy cơ độc quyền càng hiện hữu hơn. Khi Grab gần như đã một mình một ngựa, có thể dễ dàng định đoạt giá cước, định đoạt tỷ lệ phần trăm triết khấu của đối tác và tài xế.

Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng do chịu giá cước nhảy múa. "Cùng đó, việc Grab mua Uber sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Hàng chục nghìn lái xe Uber sẽ đi về đâu khi họ tham gia Grab phải chịu mức triết khấu cao hơn hiện nay", ông Hùng nói.

Ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Công ty Vinasun nhận định, thị trường khi chỉ còn mình Grab sẽ "càng nguy hiểm hơn", bởi lẽ doanh nghiệp này đang ở vị trí thống lĩnh thị trường và với tiềm lực tài chính mạnh, cùng chiến lược "giá huỷ diệt", Grab đang tiến gần tới độc quyền trong thị trường đặt xe qua ứng dụng ở Việt Nam.

Hôm 26/3, Grab thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á. Đổi lại, Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab. Từ ngày 8/4, Uber sẽ chia tay các hành khách Việt sau gần 4 năm ứng dụng đặt xe này có mặt tại thị trường Việt Nam.

Tin mới lên