Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN: 'Không có chuyện sau một đêm có 60 triệu tài khoản Mobile Money'

Minh Tâm - 05/06/2020 15:04 (GMT+7)

(VNF) - Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh sẽ "không có chuyện sau một đêm có 60 triệu tài khoản Mobile Money". Ông Dũng cho biết quyền mở tài khoản Mobile Money là của khách hàng, không có chuyện mở tài khoản tự động.

VNF
Vụ trưởng Vụ Thanh toán: 'Không có chuyện sau một đêm có 60 triệu tài khoản Mobile Money'

Chia sẻ tại buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh Toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết ngày 24/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình dự thảo Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money) tới Thủ tướng Chính phủ.

Về quy trình, sau khi Thủ tướng phê duyệt thì doanh nghiệp viễn thông sẽ gửi đề án về đầu mối quản lý, sau khi được cấp phép thì mới triển khai được dịch vụ Mobile Money.

"Bản chất ở đây là việc sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh mở tài khoản di động nên không cần lo lắng sim rác", ông Dũng cho hay.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng nhấn mạnh sẽ "không có chuyện sau một đêm có 60 triệu tài khoản Mobile Money".

Lãnh đạo NHNN cho biết quyền mở tài khoản Mobile Money là của khách hàng, không có chuyện mở tài khoản tự động. Sau khi khách hàng quyết định mở tài khoản thì việc có nộp tiền hay không và sau đó là có tiêu tiền qua dịch vụ Mobile Money hay không hoàn toàn nằm ở quyết định của khách hàng.

Về hoạt động ngân hàng, theo thông tin từ NHNN, từ đầu năm đến ngày 29/5/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019.

Cùng thời gian, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 1,96%.

Trong điều hành lãi suất, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN.

Cùng với đó, giảm 0,6 - 0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5,0%/năm.

Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm so với đầu năm.

Về điều hành tỷ giá, mặc dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước ổn định, thanh khoản thông suốt.

Đến cuối tháng 5/2020, tỷ giá trung tâm tăng 0,46%, tỷ giá liên ngân hàng tăng 0,49% so với đầu năm.

Liên quan đến dịch Covid-19, thông tin từ NHNN cho hay đến ngày 25/5/2020, ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224 nghìn khách hàng với dư nợ gần 152 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 767.607 tỷ đồng cho 196.369 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 150.714 khách hàng với dư nợ 3.813 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 75.209 khách hàng với dư nợ 1.567,6 tỷ đồng, cho vay mới đối với 680.031 khách hàng với dư nợ 25.756 tỷ đồng.

Về hoạt động thanh toán, 4 tháng đầu năm, thanh toán qua thẻ, internet và điện thoại di động đều đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, toàn hệ thống ngân hàng cũng đã tích cực trong việc miễn, giảm phí một số dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau hai đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác