Xe kinh doanh có tem đăng kiểm riêng, tài xế phải có chứng chỉ?

Lê Hữu Việt - 07/05/2020 11:46 (GMT+7)

Người lái xe hoạt động kinh doanh sẽ phải có chứng chỉ hành nghề, xe kinh doanh được phân biệt qua màu tem đăng kiểm riêng, cấp bằng lái ô tô người khuyết tật... Đây là một số quy định mới được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được lấy ý kiến.

VNF
Bộ GTVT đề xuất ô tô kinh doanh vận tải sẽ có tem đăng kiểm riêng để phân biệt với xe không kinh doanh.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (Dự luật) được Bộ GTVT đưa vào nhiều quy định chi tiết, đảm bảo rõ ràng thay vì quy định tại các văn bản dưới luật như luật ban hành năm 2008 đang có hiệu lực.

Đặc biệt, dự thảo luật cho phép người khuyết tật điều khiển xe ô tô có cơ cấu phù họp với tình trạng khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng B2.

Trường hợp gian dối trong quá trình gia hạn, đổi, cấp lại, cấp mới, sử dụng bằng giả sẽ bị thu hồi bằng lái và trong thời hạn 5 năm không được cấp lại.

Trường hợp bị tước quyền sử dụng bằng lái từ 4 lần trở lên trong 3 tháng, hoặc có tổng thời gian bị tước trên 24 tháng, tài xế gây tai nạn từ mức nghiêm trọng trở lên cũng bị thu hồi bằng lái, và trong 1 năm không được cấp lại.

Tài xế chỉ được lái xe kinh doanh khi có chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ chỉ được cấp khi tài xế đã có bằng lái sau đó qua đào tạo, thi sát hạch.

Đáng chú ý, dự thảo luật phân lại các loại hình vận tải hành khách bằng xe ô tô và chỉ còn hình thức xe buýt, taxi, xe hợp đồng. 

Với thay đổi này, xe khách tuyến cố định hiện nay được xếp là xe buýt nội tỉnh hoặc liên tỉnh. Khi thành xe buýt, xe khách sẽ được bố trí các điểm dừng đón, trả khách dọc đường.

Toàn bộ xe dưới 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải khách được xếp là taxi, toàn bộ xe trên 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải khách trở lên được xếp là xe hợp đồng (không còn xe hợp đồng du lịch). Với quy định này, sẽ không còn xe hợp đồng (kể cả ứng dụng công nghệ) với xe dưới 9 chỗ ngồi.

Xe kinh doanh vận tải sẽ được phân biệt với các loại phương tiện khác thông qua màu tem đăng kiểm.

Cùng đó, dự thảo luật bổ sung thêm các quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện, doanh nghiệp với xe và tài xế của mình. Bổ sung quy định quản lý, thu thuế với kinh doanh xe ôm (thay vì chưa có quy định quản lý như hiện nay).

Bằng lái xe được đề xuất thay đổi ký hiệu cho thống nhất, phù hợp với bằng lái xe quốc tế gồm: A0, Al, A, Bl, B2, B, BE, Cl, C, C1E, CE, D, Dl, D2, D1E, D2E, DE; thay vì các bằng đang cấp hiện nay gồm: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE. Trong đó, người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện phải từ 16 tuổi trở lên và có bằng A0.

Các bằng A0, Al, A, B1 không quy định thời hạn. Bằng B2 có thời hạn tới khi người lái xe đủ 60 tuổi, sau đó định kỳ 10 năm đổi 1 lần; các bằng còn lại phải đổi theo định kỳ 5-10 năm. 

Biển số xe được đề xuất có thêm quốc kỳ và chữ VN phía bên trái các ký tự số, để phân biệt quốc gia cấp đăng ký xe. Với mô tô, xe máy, xe điện kể cả lưu thông ban ngày cũng phải bật đèn để nhận diện phương tiện (thay vì chỉ bật đèn ban đêm). Đồng thời, xe máy cũng phải kiểm tra định kỳ về tiêu chuẩn khí thải.

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác