Xe Trung Quốc tràn vào châu Âu, đẩy Volkswagen vào khủng hoảng
(VNF) - Vào tháng 5, Giám đốc tài chính Volkswagen, ông Arno Antlitz, đã cảnh báo rằng nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu có khoảng 2 - 3 năm để chuẩn bị cho sự cạnh tranh khốc liệt từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Mới đây, ông đã cắt giảm khoảng thời gian đó xuống 1 năm.
“Chiếc bánh đang nhỏ lại”
Trong khi nhiều thách thức của Volkswagen, từ thị trường Trung Quốc suy yếu đến việc chuyển đổi sang xe điện chậm hơn dự kiến, đã gây khó khăn cho công ty trong một thời gian, thì hai diễn biến gần đây đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với tập đoàn hàng đầu nước Đức.
Đầu tiên, mối lo ngại ngày càng tăng rằng các đối thủ châu Á, bao gồm BYD, Chery và Leapmotor, có thể đẩy nhanh kế hoạch xây dựng năng lực sản xuất tại châu Âu nếu Brussels tiếp tục áp dụng mức thuế nhập khẩu cao theo kế hoạch đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Thứ hai, Volkswagen gần đây đã giảm giá xe thương hiệu VW để chống lại sự cạnh tranh gay gắt hơn, một động thái mà theo Chủ tịch Hội đồng Công nhân Daniela Cavallo đã khiến công ty mất hàng trăm triệu euro tiền lợi nhuận.
Việc giảm giảm giá sâu hơn dự kiến ban đầu đã khiến ban lãnh đạo công ty nhận thấy rằng cơ sở chi phí cao ở Đức đang gây nguy hiểm cho khả năng cạnh tranh của Volkswagen với các đối thủ.
"Đây là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới nhưng lại không tạo ra lợi nhuận lớn ở quy mô đó. Họ có thể duy trì mức sản xuất đó ở một quốc gia có nhu cầu quá ít không? Không thể được", ông Cole Smead, Giám đốc điều hành của Smead Capital Management, một cổ đông của Volkswagen nhận xét.
Bên cạnh chi phí tái cấu trúc, các khoản chiết khấu đã làm suy yếu nỗ lực của thương hiệu VW nhằm giảm chi phí hơn 10 tỷ euro (11 tỷ USD) vào năm 2026.
Kết quả là, thương hiệu xe du lịch VW đã chứng kiến biên lợi nhuận giảm mạnh xuống còn 0,9% trong quý II vừa qua, từ mức 4% ít ỏi trong quý đầu tiên.
Để so sánh, biên lợi nhuận tại Renault và Stellantis, hai nhà sản xuất ô tô lớn khác của châu Âu, lần lượt là 8,1% và 10% trong nửa đầu năm.
Biên lợi nhuận bị thu hẹp của VW, vào thời điểm các đối thủ Trung Quốc tăng lượng nhập khẩu vào châu Âu, đã làm dấy lên nỗi lo về những gì có thể xảy ra khi họ sản xuất tại địa phương trong tương lai.
"Rốt cuộc, các nhà sản xuất ô tô, bao gồm cả Trung Quốc, đang cạnh tranh để giành một phần nhỏ hơn của chiếc bánh khi thị trường ô tô của châu Âu nhỏ hơn 13% (tương đương hai triệu xe) so với trước đại dịch", CFO Antlitz cho biết.
Viện dẫn nhiều thách thức, nhà phân tích Michael Punzet của DZ Bank cho biết ông dự kiến Volkswagen sẽ cắt giảm mục tiêu biên lợi nhuận cả năm của tập đoàn một lần nữa khi công bố kết quả kinh doanh quý III.
Họ đã cắt giảm mục tiêu xuống còn 6,5-7,0% vào tháng 7 do các điều khoản về khả năng đóng cửa một nhà máy của công ty con Audi tại Brussels.
Cuộc chiến chi phí
Khi nhu cầu giảm, việc bán ô tô đại chúng đã trở thành cuộc chiến về việc ai sản xuất chúng với chi phí thấp nhất.
"Suy nghĩ tìm giải pháp thông qua tăng trưởng đã không còn nữa. Mọi người đều đang mất thị phần và các công ty cần phải điều chỉnh lại", nhà phân tích Philippe Houchois của Jefferies cho biết.
Trong bài phát biểu vào tuần trước, CFO Antlitz cho biết thương hiệu VW, chiếm hơn một nửa sản lượng của tập đoàn vào năm ngoái, đã chi nhiều tiền hơn số tiền kiếm được trong một thời gian, đồng thời nói thêm rằng công ty sẽ không thành công nếu xu hướng đó tiếp tục.
Dòng tiền ô tô của Volkswagen, thước đo chính về sức khỏe hoạt động, đã chuyển sang âm trong nửa đầu năm 2024 xuống còn âm 100 triệu euro, so với mức dương 2,5 tỷ euro trong cùng kỳ năm ngoái.
Cạnh tranh khốc liệt không chỉ là vấn đề trong nước. Lợi nhuận từ Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Volkswagen, đã giảm gần một nửa trong thập kỷ qua xuống còn 2,6 tỷ euro vào năm 2023. Dự kiến sẽ tăng lên khoảng 3 tỷ euro vào năm 2030, nhưng chúng sẽ khó có thể phục hồi.
Một vấn đề lớn khác là chi phí năng lượng và lao động ở Đức, vốn nằm trong số những chi phí cao nhất ở châu Âu và cũng trở thành vấn đề đau đầu đối với các ngành hóa chất và thép của nước này.
Các nhà phân tích của Citi cho biết trong tuần này rằng: "Cạnh tranh về giá cả tăng cao, giá năng lượng cao hơn và chi phí lao động cao đều dẫn đến triển vọng rất khó khăn, đặc biệt là đối với các thương hiệu đại chúng của châu Âu".
Trả lời phỏng vấn trên trang Bild cuối tuần qua, CEO Volkswagen Oliver Blume đã mô tả tình hình tại thương hiệu cốt lõi VW của công ty là "đáng báo động", vài ngày sau khi kế hoạch cắt giảm chi tiêu và khả năng đóng cửa nhà máy tại thị trường trong nước khiến nhân viên phẫn nộ.
Ông Oliver Blume cho biết cần có những thay đổi triệt để để đảm bảo sự tồn tại của hãng sản xuất ô tô. Theo ông Blume, ngày càng có ít xe được mua ở châu Âu, trong khi các đối thủ cạnh tranh mới từ châu Á đang gia nhập thị trường.
"Chiếc bánh ngày càng nhỏ lại và chúng tôi có nhiều khách hơn tại bàn", ông nói thêm.
"Ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Và môi trường kinh tế lại xấu đi, đặc biệt là đối với thương hiệu VW", , ông Blume lập luận.
Dù vậy, vị CEO cam kết rằng bất chấp sự suy thoái, Volkswagen sẽ không từ bỏ quê hương của mình: "Chúng tôi có những nhân viên mà ông của họ cũng từng làm việc tại Volkswagen. Tôi muốn cháu của họ cũng có thể làm việc ở đây".
Volkswagen chưa bao giờ đóng cửa một nhà máy nào ở Đức và chưa từng đóng cửa một nhà máy nào trên thế giới kể từ năm 1988. Tuy nhiên, doanh số bán hàng đáng thất vọng đã khiến ban quản lý phải cân nhắc nhiều cải cách sâu rộng, khiến nhân viên công ty vô cùng tức giận.
Khoảng 25.000 công nhân đã tập trung tại trụ sở chính của Volkswagen ở thành phố Wolfsburg phía bắc đầu tuần trước để lắng nghe ban quản lý bảo vệ kế hoạch cắt giảm.
'Trận động đất' tại Volkswagen và cuộc khủng hoảng cho nước Đức?
- Volkswagen khủng hoảng chưa từng có, chính phủ Đức có can thiệp? 06/09/2024 08:45
- 'Thời gian đang cạn kiệt': Volkswagen cảnh báo sống còn trong 'tích tắc' 05/09/2024 08:45
- Đức trong khủng hoảng: Intel và Volkswagen cân nhắc rút hàng chục tỷ USD 04/09/2024 05:15
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.