'Trận động đất' tại Volkswagen và cuộc khủng hoảng cho nước Đức?
(VNF) - Chủ tịch hội đồng công nhân Volkswagen, bà Daniela Cavallo, khẳng định rằng: “Một cuộc khủng hoảng tại Volkswagen… là một cuộc khủng hoảng đối với nước Đức”.
- Volkswagen khủng hoảng chưa từng có, chính phủ Đức có can thiệp? 06/09/2024 08:45
Xung đột với công nhân
Tin tức về việc Volkswagen đang cân nhắc đóng cửa các nhà máy ở Đức và chấm dứt việc đảm bảo việc làm tại 6 nhà máy của mình trong nỗ lực thực hiện kế hoạch cắt giảm chi phí trị giá 10 tỷ euro (11 tỷ USD) hầu như không được công nhân nào biết cho tới đầu tuần qua (2/9).
Nhưng họ không tỏ ra ngạc nhiên. “Tâm trạng đã trì trệ trong một thời gian”, một công nhân nói. “Chúng tôi biết chắc chắn rằng có điều gì đó đang diễn ra”, một người khác cho hay.
Hai ngày sau, các lãnh đạo điều hành công ty và khoảng 15.000 công nhân đã đối mặt với nhau trong một cuộc "đụng độ" căng thẳng. 10.000 người chen chúc trong một hội trường lớn tại nhà máy Wolfsburg, số còn lại không thể chen vào được, phải theo dõi qua màn hình bên ngoài.
Hàng nghìn công nhân đã trút cơn giận dữ tập thể của họ khi giương cao biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu phản đối. Theo những người chứng kiến, trong khoảng 20 phút, tiếng ồn ào từ những tiếng hô vang và tiếng huýt sáo đã ngăn cản các ông chủ phát biểu.
“Doanh số của chúng ta thiếu khoảng 500.000 xe bán ra mỗi năm”, giám đốc tài chính của VW, Arno Antlitz, phát biểu trước hội trường. Ông cho biết con số đó tương đương với sản lượng của hai nhà máy.
“Không liên quan đến sản phẩm hay hiệu suất kém, thị trường đơn giản là không còn nữa”, ông nghậm ngùi nói, đồng thời khẳng định rằng công ty cần “một hoặc hai năm” để xoay chuyển tình hình. Các chuyên gia ước tính rằng VW có khoảng 20.000 nhân viên “thừa”.
CEO Oliver Blume thì nói với các nhân viên một cách rõ ràng rằng công ty đã rút khoảng 1,5 tỷ euro hàng năm từ dòng tiền trong khoảng 15 năm - "và mọi thứ sẽ phải thay đổ"i.
Đáp lại, bà Daniela Cavallo, người đứng đầu hội đồng công nhân đại diện cho 120.000 nhân viên của công ty tại Đức, đã tuyên bố rằng: "Chúng tôi là gia đình VW, và một gia đình không bỏ lại ai phía sau".
Bà hứa sẽ "phản kháng quyết liệt" với lệnh "thắt lưng buộc bụng" của công ty và nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận bị sa thải" và các cuộc đình công rất có thể sẽ diễn ra.
Những cuộc đàm phán này diễn ra trong bối cảnh Volkswagen và các hãng xe lớn khác của châu Âu, bao gồm Stellantis và Renault, đang phải vật lộn với chi phí lao động và năng lượng cao cũng như sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ châu Á có chi phí thấp hơn đang vận chuyển nhiều xe hơn đến khu vực này.
Công đoàn IG Metall, tổ chức công đoàn lớn nhất của Đức, gọi thông báo của Volkswagen là một quyết định vô trách nhiệm, "làm lung lay nền tảng" của công ty, vốn là nhà tuyển dụng công nghiệp lớn nhất của Đức và là nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu xét về doanh thu.
IG Metall cho biết họ có thể cân nhắc chuyển sang tuần làm việc bốn ngày như một giải pháp thay thế cho việc đóng cửa - một động thái được thực hiện vào những năm 1990 trong hơn một thập kỷ như một phần của chiến dịch cắt giảm chi phí trước đó bao gồm cả việc cắt giảm lương ít hơn. Tuy nhiên, Volkswagen vẫn giữ im lặng về việc liệu điều này có hiệu quả trong môi trường hiện nay hay không.
Thử thách mô hình kinh tế của Đức
Theo bà Cavallo, những gì đang bị đe dọa đối với công ty 87 năm tuổi này không chỉ là Wolfsburg, hay Lower Saxony, hay 6 nhà máy khác trên khắp nước Đức, từ Emden đến Zwickau, nơi VW đã có chỗ đứng vững chắc. “Một cuộc khủng hoảng tại VW… là một cuộc khủng hoảng đối với nước Đức”, bà Cavallo nói.
Thất bại lớn gần đây nhất mà VW phải đối mặt là vụ bê bối dieselgate năm 2015-2016, khi nhà sản xuất này bị phát hiện đã làm giả các bài kiểm tra khí thải khiến cho các loại xe của họ có vẻ thân thiện với môi trường hơn thực tế.
Sự việc này khiến hãng thiệt hại ước tính 30 tỷ euro tiền bồi thường trên toàn thế giới, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của hãng như một biểu tượng về sức mạnh kỹ thuật và độ tin cậy của Đức.
Việc mất đi nguồn thuế thu được từ các cộng đồng địa phương vào thời điểm đó cho thấy mức độ ảnh hưởng của VW trên khắp nước Đức và khả năng suy giảm sức mạnh công nghiệp của hãng có thể có ý nghĩa như thế nào.
“Các địa điểm nhà máy của chúng tôi là động lực của toàn bộ khu vực”, bà Cavallo cho biết. Bà nói thêm rằng việc mất thuế kinh doanh địa phương do dieselgate đã gây ra tác động bất lợi đến cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người. Nó đã cắt giảm sâu vào ngân khố của các thành phố, dẫn đến việc đèn đường bị tắt ở một địa phương, chi phí chôn cất tăng vọt ở một địa phương khác và một thị trấn “thậm chí phải ngừng dịch vụ kiểm soát chuột”.
“Ngành công nghiệp ô tô vẫn là ngành quan trọng nhất ở Đức và trong ngành này, VW là cánh chim đầu đàn. Khi gã khổng lồ chao đảo, thì mọi thứ đều chao đảo”, ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng tại tổ chức tài chính toàn cầu ING của Hà Lan, nói với giới truyền thông Đức.
Một số người thì đổ lỗi cho chính phủ về tình trạng khó khăn của công ty, nói rằng chính phủ đã thúc đẩy chương trình nghị sự xanh dẫn đến sự sụt giảm doanh số bán ô tô trong nước và giá năng lượng tăng, và rằng chính phủ đã không thực hiện được lời hứa cắt giảm bộ máy quan liêu, cũng như loại bỏ động lực mua ô tô điện bằng cách đột ngột dừng chương trình trợ cấp vào cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, cũng có nhiều lời chỉ trích về thất bại của VW trong nhiều năm qua, trong việc nắm bắt các cơ hội mà xe điện hoặc thị trường xe hybrid mang lại.
Tuy nhiên, thực tế là ở châu Âu, số lượng xe hơi được sản xuất hiện nay ít hơn 2,5 triệu chiếc so với năm năm trước. Thị trường xe điện đã giảm 69% vào tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, được cho là do lòng tin của người tiêu dùng suy yếu, và cứ năm chiếc xe điện được bán ở châu Âu thì có một chiếc được sản xuất tại Trung Quốc.
Một chiếc xe điện giá rẻ của VW, đang trong quá trình sản xuất và dự kiến sẽ được bán ra vào năm tới, đang được sản xuất không phải ở Đức mà ở bán đảo Iberia.
Bà Helena Wisbert từ Trung tâm Nghiên cứu Ô tô ở Duisburg cho biết: "Xét về mặt kinh tế thuần túy, ngày càng có ít lập luận ủng hộ việc sản xuất tại Đức".
'Thời gian đang cạn kiệt': Volkswagen cảnh báo sống còn trong 'tích tắc'
- Trung Quốc tài trợ thêm 51 tỷ USD cho châu Phi, hứa hẹn 1 triệu việc làm 05/09/2024 03:15
- Volkswagen phá vỡ điều cấm kỵ: ‘Khi ngành ô tô bị ho, Đức không tránh khỏi cảm cúm’ 07/09/2024 08:00
- Bất ngờ bị Pháp bắt giữ, CEO Telegram chỉ trích ‘sai lầm’ 06/09/2024 03:16
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.