Xu thế du lịch năm 2022: Chịu chi cho những chuyến đi để đời

Lê Anh - 27/02/2022 11:08 (GMT+7)

(VNF) - Ròng rã 2 năm gần như đóng băng hoàn toàn vì ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch toàn cầu đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc ngay từ đầu năm 2022.

VNF

2 năm chịu cú sốc lớn

2020 được cho là năm tồi tệ nhất từng được ghi nhận với ngành du lịch khi lượng khách quốc tế giảm tới 73%. Các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại kéo dài nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch toàn cầu chịu cú sốc lớn. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á.

Bước sang năm 2021, các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 khiến tỷ lệ tiêm chủng gia tăng, các lệnh hạn chế đi lại cũng dần được nới lỏng, nhờ đó, ngành du lịch đã phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, sự xuất hiện và lây lan của siêu biến chủng Omicron vào đầu tháng 12/2021 lại tiếp tục khiến ngành du lịch lao đao.

Theo báo cáo mới công bố của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), ngành du lịch toàn cầu trong năm 2021 hầu như không có sự cải thiện so với năm 2020, tất cả các chỉ số đều thấp hơn nhiều so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch diễn ra. Tổng thu nhập trực tiếp của ngành du lịch toàn cầu năm 2021 đã tăng 19% so với năm 2020 lên mức 1.900 tỷ USD nhờ việc du khách có xu hướng chi tiêu nhiều hơn và lưu trú lâu hơn. Tuy nhiên, con số khiêm tốn này cũng chỉ bằng khoảng 50% so với năm 2019 (khoảng 3.500 tỷ USD). “Đây là một cuộc khủng hoảng mang tính lịch sử trong ngành du lịch toàn cầu nhưng một lần nữa du lịch có khả năng phục hồi khá nhanh. Tôi hy vọng năm 2022 sẽ khởi sắc hơn nhiều so với năm 2021”, Tổng giám đốc UNWTO Zurab Pololikashvili nhận định.

“Cảm giác cấp bách” phải dịch chuyển

Bà Stephanie Papaioannou, Phó chủ tịch hãng du lịch xa xỉ Abercrombie & Kent (Mỹ), cho rằng nhiều người có “cảm giác cấp bách” phải đi du lịch sau 2 năm bị hạn chế di chuyển vì đại dịch. Những người lớn tuổi thậm chí lo lắng rằng họ không còn nhiều thời gian khỏe mạnh để tận hưởng những kỳ nghỉ dưỡng. Đồng tình với quan điểm trên, ông Lee Thompson, nhà đồng sáng lập công ty du lịch mạo hiểm Flash Pack (Anh), cho rằng mọi người dường như đang chờ đợi mòn mỏi để được dịch chuyển.

Kết quả từ cuộc khảo sát với 12.000 khách du lịch tại 12 quốc gia của Expedia cho thấy 65% người được hỏi cho biết họ đang lên kế hoạch cho “chuyến đi để đời” trong năm 2022. Expedia cho rằng xu hướng du lịch lớn nhất của năm 2022 là những chuyến đi thú vị và xa hoa. Còn theo một báo cáo được hãng công nghệ du lịch Amadeus (Tây Ban Nha) công bố vào tháng 11/2021, công ty này nhận thấy lượt tìm kiếm từ khóa “những điểm đến hoành tráng” gia tăng đáng kể. Cụ thể, số lượt tìm kiếm về quốc gia Đông Phi Tanzania tăng 36%, về các chuyến bay tới Petra của Jordan tăng 22% và số lượt đặt dịch vụ tại các thành phố Machu Picchu của Peru tăng gần 50% trong năm 2021. Các hòn đảo tại Ấn Độ Dương và Nam Cực cũng dành được sự quan tâm đặc biệt.

Ông Decius Valmorbida, một lãnh đạo cấp cao của Amadeus, cho rằng chính những lo lắng như sẽ có thêm sự xuất hiện của các đại dịch khác, tình trạng giãn cách xã hội tiếp tục diễn ra… dẫn tới sự chuyển biến trong tâm lý của các du khách khiến họ đưa ra quyết định: “Bây giờ hoặc không bao giờ!”. Báo cáo của hãng du lịch HomeToGo (Đức) thì cho thấy số lượt tìm kiếm các khu nhà nghỉ, homestay hiện ở mức tương đương với năm 2019 khi đại dịch chưa bùng phát. Du khách ở độ tuổi từ 18-34 là đối tượng dẫn đầu xu hướng du lịch năm nay.

Sẵn sàng “chơi lớn”

Dù thu nhập của nhiều hộ gia đình đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng mặt khác, cuộc khủng hoảng này lại giúp một số nhóm người, đặc biệt là những nhà chuyên môn có thể làm việc tại nhà, tiết kiệm được nhiều hơn. Theo báo cáo chung công bố vào tháng 11/2021 của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) và trang web Trimp.com, khoảng 70% du khách tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Nhật, có dự định chi tiêu nhiều hơn cho du lịch trong năm 2022 so với giai đoạn 5 năm vừa qua.

Dữ liệu của HomeToGo thì cho thấy chi tiêu bình quân cho các đơn đặt dịch vụ trên nền tảng này trong năm 2021 đã tăng 54% so với năm 2019. Đặc biệt, du khách Mỹ hiện có xu hướng tìm kiếm những điểm đến yên tĩnh hơn và xa xỉ hơn dù chuyến đi tốn kém hơn. 32% du khách Mỹ tham gia khảo sát của Expedia cho biết họ sẵn sàng chi nhiều hơn để tới những “điểm đến trong mơ”. Patrick Andrae, đồng sáng lập và CEO HomeToGo cho biết: “Nhu cầu du lịch tăng cao dẫn đến du khách muốn có những kỳ nghỉ dài, do đó nhiều người chọn các khu nghỉ dưỡng rộng rãi hơn là đặt phòng khách sạn”.

Làm việc kết hợp nghỉ dưỡng cũng là loại hình được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh xu hướng làm việc từ xa trở nên phổ biến. Năm 2021 đã chứng kiến ngày càng nhiều người chọn làm việc ở những hòn đảo thay vì ở nhà dù phải bỏ ra khoản chi lớn. Du lịch gắn với sức khỏe cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời kỳ hậu Covid-19. Theo Global Wellness Institute (GWI), loại hình du lịch này có thể chạm mức doanh thu 919 tỷ USD vào năm 2022.

Có thể coi việc tăng khả năng chi tiêu là một dấu hiệu tốt do chi phí đi lại đã tăng lên ở một số nơi. Hiệp hội du lịch Mỹ cho biết, so với năm 2019, giá thực phẩm đã tăng 10%, trong khi giá phòng ốc khách sạn và nhiên liệu động cơ tăng lần lượt 13,3% và 26,6%. Mặc dù giá vé máy bay giảm 17% so với năm 2019, điều này có thể sẽ không kéo dài lâu do giá nhiên liệu đang không ngừng tăng cao.

Dù những trở ngại đối với ngành du lịch toàn cầu vẫn còn chồng chất nhưng chính những nỗ lực thích ứng trong thời gian gần đây của các nước đã mang tới những tín hiệu lạc quan, được kỳ vọng sẽ góp phần làm “tan băng”, giúp khôi phục nền kinh tế thế giới trước những tác động to lớn của đại dịch Covid-19. Theo tính toán của WTTC, nếu việc triển khai tiêm vắc xin vẫn được đẩy mạnh và các hạn chế đối với du lịch quốc tế được nới lỏng trên khắp thế giới, lĩnh vực này có thể tạo ra 58 triệu việc làm trong năm 2022, đóng góp 8.600 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu, thấp hơn chỉ 6,4% so với trước đại dịch.

Cùng chuyên mục
Tin khác