Bất động sản

CII: Dòng tiền kinh doanh còn âm đến bao giờ?

(VNF) – Lãi lớn liên tiếp trong các năm trở lại đây nhưng dòng tiền kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE: CII) lại luôn trong tình trạng âm nặng. "Căn bệnh kinh niên" này của CII đến khi nào mới chấm dứt?

CII: Dòng tiền kinh doanh còn âm đến bao giờ?

Lãi của CII liệu có thực chất?

Dòng tiền kinh doanh âm nặng, lãi của CII có thực chất?

Năm 2017, CII ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.040 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 412 tỷ đồng, giảm 1%.

Trong năm, các loại chi phí vẫn tăng đều đặn: chi phí tài chính tăng 16% lên 534 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 8% lên 27 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng 76% lên 488 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính tăng 46%, đạt tới 2.189 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế vọt lên 1.689 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước.

Kết thúc năm tài chính 2017, CII lãi ròng 1.520 tỷ đồng, tăng 81% so với năm 2016.

Có thể nói, mức lãi "khủng" của CII năm qua chủ yếu đến từ doanh thu tài chính. Tuy nhiên, trong cơ cấu doanh thu tài chính, có tới 1.606,5 tỷ đồng (chiếm 74% doanh thu tài chính năm 2017) là lãi từ việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào công ty con. 

Nhìn trên bảng lưu chuyển tiền tệ có thể thấy mục "lãi từ hoạt động đầu tư" ghi nhận số âm (-1.995,9 tỷ đồng). Như vậy, một phần lớn lợi nhuận năm 2017 của CII chỉ là lãi ghi nhận trên sổ sách chứ không thu được tiền về.

Trong khi đó, năm qua, bảng tài sản của CII lại cho thấy sự gia tăng rất lớn của hàng tồn kho, các khoản phải thu, chi phí sản xuất dở dang… Cụ thể: hàng tồn kho tăng 7,8 lần, lên mức 870 tỷ đồng; các khoản phải thu tăng 1,7 lần, lên mức 4.959 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn tăng 1,6 lần, lên mức 3.845 tỷ đồng và đặc biệt là khoản lợi thế thương mại lên tới 2.017 tỷ đồng, tăng gấp 5,8 lần do hợp nhất CII B&R, CII E&C, VPII…

Chính vì vậy, dòng tiền kinh doanh năm 2017 của CII đã rơi vào tình trạng âm nặng (-443 tỷ đồng).

Đáng chú ý, đây là năm thứ 4 liên tiếp dòng tiền kinh doanh của CII rơi vào tình trạng âm (2014: - 390 tỷ đồng; 2015: -260 tỷ đồng; 2016: -430 tỷ đồng).

Tăng mua sắm, dòng tiền đầu tư âm ngàn tỷ

Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư cho thấy dù đã giảm mạnh việc chi tiền cho mua sắm tài sản cố định nhưng năm 2017, CII vẫn chi ra 1.226 tỷ đồng cho việc này. (báo cáo cho thấy tài sản cố định năm 2017 đã tăng gấp 9 lần, lên mức 5.533 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Công ty cũng chi ra 1.447 tỷ đồng để cho vay, mua công cụ nợ của các công ty khác (tăng 11 lần) và 315 tỷ đồng để góp vốn vào các đơn vị. Vì vậy dù đã thu hồi về 1.843 tỷ đồng nhưng dòng tiền từ hoạt động đầu tư của CII vẫn âm tới 1.067 tỷ đồng.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, dòng tiền đầu tư của CII âm nặng (năm 2016: -1.681 tỷ đồng; năm 2015: -3.041 tỷ đồng).

Nợ vay tăng vòn vọt

Hệ quả tất yếu của việc dòng tiền kinh doanh và dòng tiền đầu tư âm là CII buộc phải tăng cường vay nợ để bù đắp dòng tiền. Trên thực tế, tình trạng nợ của CII năm qua đã tăng vòn vọt.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2017, nợ phải trả của CII là 13.127 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 4.071 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần; nợ dài hạn là 9.056 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần.

Trong cơ cấu nợ ngắn hạn, nợ vay chiếm 54,6% và tăng gấp 3,7 lần (đạt giá trị 2.223 tỷ đồng).

Trong cơ cấu nợ dài hạn, nợ vay chiếm 79% và tăng gấp 2,4 lần (đạt giá trị 7.166 tỷ đồng).

Tổng cộng, nợ vay của CII là 9.389 tỷ đồng, chiếm 71,5% nợ phải trả, bằng 45% tổng tài sản và tăng gấp 1,6 lần so với đầu năm. 

Vốn chủ sở hữu của CII năm qua cũng tăng 1,7 lần, lên mức 7.639 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là vốn chủ sở hữu không tăng nhờ vốn góp của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần mà đến từ lợi ích cổ đông không kiểm soát và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Như vậy, với mức tăng như trên, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của CII đã tăng từ 0,83 lần lên 1,23 lần.

Mức độ sử dụng nợ vay của CII hiện đang rất lớn. Dòng tiền vay – trả trong năm 2017 đã tăng khá mạnh so với năm trước. Cụ thể, tiền thu từ đi vay đạt 6.315 tỷ đồng (tăng gấp 1,3 lần so với năm 2016); tiền trả nợ gốc vay đạt 3.907 tỷ đồng (tăng 1,3 lần). Dù lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương hơn 600 tỷ đồng, CII vẫn không tránh khỏi thực tế là ngày càng phụ thuộc vào việc đi vay nợ (dù là vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu).

Nhớ hồi tháng 8/2017, Tổng giám đốc của CII, ông Lê Quốc Bình khẳng định từ năm 2018, dòng tiền của CII sẽ dương trở lại. Tuy nhiên, với thực tế âm triền miên 4 năm qua và gánh nặng nợ vay đang tăng mạnh, không có gì đảm bảo rằng dòng tiền của CII sẽ có cải thiện trong năm 2018. Cũng giống như rất khó để tin rằng trong năm nay, CII sẽ có lợi nhuận "tiền tươi thóc thật" chứ không còn là lãi nhờ hạch toán.

Tin mới lên