Tài chính

20 năm sau vụ ACB: Nhìn lại những tin đồn làm chao đảo giới tài chính

(VNF) - Không chỉ trong bối cảnh bùng nổ Internet hiện nay mà từ 20 năm trước, vấn nạn tin đồn đã gây chao đảo thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam. Đến nay, vẫn chưa có giải pháp nào xử lý dứt điểm vấn nạn này.

20 năm sau vụ ACB: Nhìn lại những tin đồn làm chao đảo giới tài chính

Ảnh minh hoạ

Tin đồn - “đặc sản” trong giới ngân hàng

Cách đây 20 năm, tin đồn Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) khi đó là ông Phạm Văn Thiệt bỏ trốn đã làm chao đảo không chỉ riêng ACB mà còn cả hệ thống ngân hàng trong ngày 14/10/2003. ACB thời điểm đó được đánh giá là một trong những nhà băng hàng đầu về quản trị rủi ro lẫn hiệu quả kinh doanh. Dù cho thông tin này chưa được xác minh nhưng cũng đã khiến khách hàng đổ xô tới rút tiền tại ACB và lan sang các ngân hàng khác.

Ngay sau đó, Tổng giám đốc ACB Phạm Văn Thiệt và Chủ tịch HĐQT ACB Trần Mộng Hùng phải xuất hiện tại trụ sở ngân hàng để bác bỏ tin đồn và khẳng định hoạt động của ACB vẫn diễn ra bình thường, toàn bộ tiền gửi của khách hàng đều được ACB mua bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đại diện ACB cũng công bố trao giải thưởng 200 triệu đồng cho ai cung cấp nguồn tin cho cơ quan chức năng tìm ra đối tượng tung tin thất thiệt.

Cuối tháng 5/2011, một số trang mạng đưa thông tin về tin đồn Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) Phan Huy Khang bỏ trốn. Đang có việc ở miền Bắc, ông Khang phải bay gấp về TP. HCM để bác tin đồn này.

Ông Trầm Bê - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) SouthernBank lúc đó cho biết trước đó, tin đồn nhắm vào ông, thấy kết quả không như mong đợi, tin đồn ngay sau đó đã chuyển qua chủ tịch HĐQT rồi lan sang Tổng giám đốc ngân hàng là ông Phan Huy Khang. Khẳng định không biết những tin đồn này xuất phát từ đâu nhưng ông Trầm Bê cũng cho hay các hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn diễn ra bình thường.

Sau đó vài ngày, ngành ngân hàng lại xuất hiện tin đồn ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chứng khoán Sacombank (SBS) và Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Trần Xuân Huy sắp rời khỏi vị trí lãnh đạo, cùng với đó là thông tin Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Sài Gòn Thương tín (Sacomreal) Đặng Hồng Anh bỏ trốn. Trưa 8/6/2011, qua điện thoại, ông Đặng Hồng Anh cho biết hiện đang thi đấu “giải golf vô địch Việt Nam” tại Đà Nẵng.

Tới cuối tháng 2/2013, tin đồn Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - ông Trần Bắc Hà bị bắt tiếp tục rộ lên, khiến thị trường chứng khoán có phiên giảm điểm mạnh nhất (hơn 18 điểm) trong vòng 6 tháng. Nhà đầu tư ào ạt bán ra cổ phiếu theo tâm lý đám đông vì liên tưởng tới những tác động xấu. Tâm lý tiêu cực có xu hướng lan rộng ra, xuất hiện trên thị trường vàng, ngoại tệ…

Ngay chiều cùng ngày, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đã lên tiếng bác bỏ thông tin này và cho rằng “có một nhóm đầu cơ nào đó tung tin để trục lợi”. Lãnh đạo ngân hàng này cũng đề nghị cơ quan an ninh vào cuộc, điều tra nguồn gốc tin đồn. Ngay sau đó, ba người tung tin này đã bị phạt hành chính.

Nổi cộm nhất gần đây, trong những tháng cuối năm 2022, lợi dụng việc cơ quan điều tra bắt và khởi tố bị can Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956, trú tại TP. HCM, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), trên mạng xã hội không ít người cố tình tung tin thất thiệt liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Sự việc dẫn đến hiện tượng người dân ồ ạt tới ngân hàng rút tiền trước hạn. Ngay sau đó, cơ quan công an đã làm việc với một số đối tượng tại Hà Nam, Nghệ An, TP. HCM để làm rõ động cơ, mục đích của việc tung tin, xuyên tạc. Các đối tượng khai nhận ban đầu, mục đích tung tin để câu view, tăng lượt tương tác nhằm bán hàng trực tuyến.

Doanh nghiệp niêm yết lao đao, nhà đầu tư thiệt hại

Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, tin đồn không rõ thực hư cũng khiến cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp niêm yết “bỗng dưng” bị xả mạnh về giá sàn. Điều này không chỉ khiến giá trị vốn hóa các doanh nghiệp này bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng, mà nhiều nhà đầu tư cũng bị thiệt hại nặng nề.

Chẳng hạn như ngày 8/4/2022, trên các diễn đàn về chứng khoán, các nhóm mạng xã hội (Zalo, Viber, Telegram...) đã lan truyền hình ảnh một trang giấy A4 không rõ nguồn gốc đề cập đến vấn đề thanh tra hoạt động phát hành trái phiếu, gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, làm giá cổ phiếu HSG, GEX giảm kịch sàn.

Hoặc như cổ phiếu BCG (Bamboo Capital) giảm kịch sàn bởi tin đồn mà sau đó mới vỡ lẽ ra là do… trùng tên với Bamboo Airways - hãng hàng không liên quan đến hệ sinh thái FLC.

Ngay cả với một doanh nghiệp vốn được giới đầu tư, bao gồm đông đảo nhà đầu tư nước ngoài, đánh giá cao về yếu tố minh bạch như Công ty Cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) cũng không thoát khỏi vòng xoáy tin đồn.

Ngày 3/11/2022, MWG bị lan truyền tin giả về việc đầu tư 1.611 tỷ đồng trái phiếu vào ngân hàng, công ty bất động sản đang bị điều tra. Sự việc diễn ra sau khi MWG công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 có khoản mục “Đầu tư tài chính ngắn hạn” với giá trị 8.846 tỷ đồng, bao gồm 7.235 tỷ đồng là các khoản tiền gửi tại các ngân hàng uy tín và không có vấn đề về thanh khoản, có thời hạn còn lại từ 1 - 6 tháng và 1.611 tỷ đồng là các khoản đầu tư vào trái phiếu ngắn hạn.

“100% trái phiếu hoàn toàn không có mối quan hệ nào với các doanh nghiệp/tập đoàn và các ngân hàng/công ty chứng khoán đang được điều tra hay nhắc đến gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến các sai phạm trong phát hành trái phiếu”, lãnh đạo MWG khẳng định.

Tin đồn, tin giả liên tục tồn tại và lan truyền được đánh giá là do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần quan trọng là do người tiếp nhận, nhà đầu tư thiếu thông tin. Ngay sau những sự việc trên, các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đều đã có một số động thái nhằm rà soát giao dịch, trấn an thị trường, thậm chí mạnh tay xử lý, đưa ra những hình phạt đủ sức răn đe, tuy nhiên tình trạng lan truyền tin đồn thất thiệt vẫn tiếp diễn và không có dấu hiệu dừng lại.

Cơ quan công an cũng đã làm việc với nhiều đối tượng liên quan để làm rõ động cơ, mục đích của việc tung tin, xuyên tạc. Bộ Công an cũng khẳng định, những người tung tin, phát tán tin sai sự thật sẽ bị cơ quan chức năng xử lý, thậm chí bị xử lý hình sự khi hậu quả gây ra nghiêm trọng, xâm hại an ninh trật tự xã hội.

Theo đại diện một doanh nghiệp niêm yết, các thông tin thất thiệt đã làm xáo trộn hoạt động của nhiều công ty, ảnh hưởng đến niềm tin của cổ đông và đối tác, cũng như gây ra sự hoang mang cho nội bộ. Theo đó để hạn chế hiệu quả nhất tình trạng này, doanh nghiệp khuyến cáo và đề nghị cổ đông, nhà đầu tư thận trọng, sáng suốt trước những tin đồn thất thiệt; cập nhật tin tức về doanh nghiệp trên các kênh thông tin chính thống để có những đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác về hoạt động doanh nghiệp...

Tin mới lên