‘20% startup lên Shark Tank chỉ thuần tuý với mục đích PR’
(VNF) - Ông Bùi Quang Minh (Shark Minh Beta), Chủ tịch HĐQT Beta Group cho biết lượng startup lên chương trình Shark Tank khoảng 20% nhằm mục đích thuần tuý là PR, 80% còn lại có tâm huyết thực sự. Tuy nhiên, để biết 20% này là những startup nào, chỉ khi lên chương trình, hoặc thậm chí đến bước đàm phán mới xác định được.
Sự đổ bộ của loạt startup về mỹ phẩm và F&B
Chương trình Thương vụ Bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam) đã quay trở lại với mục tiêu kết nối startup Việt với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhằm đưa sản phẩm, trí tuệ Việt chinh phục thị trường và vươn ra thế giới.
Các cá mập quen thuộc tiếp tục đồng hành trong mùa 7 là Shark Nguyễn Hoà Bình, Shark Phạm Thanh Hưng và Shark Bùi Quang Minh. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các cá mập mới là Shark Nguyễn Phi Vân (Chủ tịch Go Global Holdings kiêm Chủ tịch Go Global Franchise Fund), Shark Lê Mỹ Nga (Chủ tịch Weangels Capital) và Shark Nguyễn Văn Thái (Đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Tập đoàn Thái Hương).
Đặc biệt, Shark Tank mùa 7 còn có sự góp mặt của 1 cá mập đến từ nước ngoài là ông Tillman Schulz – doanh nhân thế hệ thứ 3 của MDS Group, một tập đoàn lớn hoạt động đa ngành tại Đức.
Tại buổi họp báo, bà Lê Hạnh, Giám đốc sản xuất Shark Tank Việt Nam cho biết số lượng startup tham gia tương tự những mùa trước, tuy nhiên có sự thổi rất nhiều về ngành hàng của các startup. Theo đó, bà Hạnh tiết lộ trong quá trình lựa chọn các startup sẽ tham gia chương trình, ban tổ chức nhận thấy có số lượng lớn startup trong lĩnh vực hoá mỹ phẩm tham gia và tiềm năng về mảng này cũng được nhận định sẽ bùng nổ và đem về doanh thu lớn.
“Đó là lý do chúng tôi tìm tới Shark Thái, đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Tập đoàn Thái Hương trong mùa 7 này của Shark Tank Việt Nam”, bà Lê Hạnh cho biết.
Được biết, Tập đoàn Thái Hương hiện đang cung cấp nhiều dịch vụ, từ gia công mỹ phẩm tới phát triển công thức, tư vấn thiết kế bao bì, nhãn mác và cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm,...
Shark Thái cũng chia sẻ ưu tiên tìm kiếm các startup trong lĩnh vực này. Ông cho biết sẽ đồng hành cùng các startup, không chỉ vốn mà còn hỗ trợ toàn diện về công nghệ, năng lực sản xuất, quản trị và phân phối bán hàng.
Bên cạnh đó, bà Lê Hạnh cho biết các startup trong mùa 7 còn có nhu cầu tăng trưởng và phát triển thành các chuỗi nhượng quyền, vì đây là mô hình kinh doanh giúp tăng trưởng nhanh chóng. “Đó là lý do chúng tôi đã làm việc với Shark Phi Vân”, bà Hạnh cho biết.
Theo đó, Shark Phi Vân cho biết mục đích đến với Shark Tank để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các startup có định hướng phát triển chuỗi, nhượng quyền, hướng đến xuất khẩu mô hình, thương hiệu và trí tuệ Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Đặc biệt, sự tham gia của các startup mảng F&B được đánh giá là nở rộ trong mùa 7, phù hợp với mục tiêu tìm kiếm của Shark Tillman Schulz là các startup hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực, dược phẩm, ngành hàng tiêu dùng nhanh có tiềm năng xuất khẩu ra thị trường thế giới.
“20% startup lên Shark Tank với mục đích PR”
Một trong những vấn đề mà người xem rất quan tâm về Shark Tank Việt Nam là việc các startup tham dự chương trình để thực sự tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược để đồng hành, hay chỉ tham dự để quảng bá cho doanh nghiệp và đưa ra những “deal” trên trời không nhằm mục đích gọi vốn.
Trả lời về vấn đề này, Shark Hưng cho biết bản thân các startup tham gia chương trình và được phát sóng, dù muốn hay không thì mục đích truyền thông gần như đều có.
“Trong mùa 7 cũng có startup như vậy. Một số shark trong chúng tôi thực sự bực bội khi các startup ra deal rất cao và nhất quyết không đàm phán. Format của chương trình không chào đón các startup như vậy, và các shark cũng không thích điều đó”, Shark Hưng nói.
Theo ông, việc đạt được tăng trưởng cao nhờ tác động của truyền thông chỉ có hiệu ứng tốt khi bản thân sản phẩm có chất lượng tốt, startup có hệ thống tốt. Nếu startup chỉ có sản phẩm tốt, nhưng hệ thống và thương hiệu chưa tốt, đôi khi sẽ liên luỵ cả hệ thống.
“Có những trường hợp sản phẩm mới chỉ là một ý tưởng thú vị, sau khi lên sóng bị đặt hàng một cách dữ dội, nhưng khi trả hàng lại không như mong đợi. Không có gì giết chết một sản phẩm tồi nhanh bằng một chiến dịch quảng cáo tốt”, Shark Hưng cho biết
Shark Minh Beta ước tính khoảng 20% số lượng startup tham gia Shark Tank Việt Nam với mục đích thuần tuý là PR, và 80% còn lại là thực sự có tâm huyết. Tuy nhiên, để biết 20% này là những startup nào, chỉ khi lên chương trình, hoặc thậm chí đến bước đàm phán mới xác định được.
Theo chia sẻ của các cá mập, Shark Tank là một chương trình thực tế, không phải gameshow. Các shark không có trước kịch bản, mà chỉ biết các startup có sản phẩm gì, sẽ kinh doanh gì khi cánh cửa được mở ra.
“Việt Nam có hơn 800.000 doanh nghiệp, với hàng triệu người dân. Tôi tin những người làm kinh doanh sẽ tìm thấy bài học, kinh nghiệm, sẽ chia sẻ và thông cảm khi xem chương trình”, Shark Hưng cho biết.
Theo Shark Bình, người xem nên nhìn Shark Tank ở góc độ kiến thức, mỗi sự gặp gỡ của startup với nhà đầu tư có thể là kinh nghiệm của các startup khác, những thất bại của các startup trên sóng có thể đem đến kiến thức, cơ hội đổi đời hàng triệu người.
'Cá mập' bạc tỷ: Đình đám trên Shark Tank, mắc cạn ngoài thương trường
Toàn cảnh thi công Cao tốc Hoà Liên - Túy Loan 2.100 tỷ đồng
(VNF) - Tuyến đường được xây dựng tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h; trong giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m