38 năm ông Hun Sen cầm quyền: Campuchia từ đổ nát hậu chiến thành điểm sáng Asean
Mai Lý -
27/07/2023 17:56 (GMT+7)
(VNF) - Nhìn lại chặng đường gần 4 thập kỷ qua, không thể phủ nhận rằng Thủ tướng Hun Sen đã đưa đất nước Campuchia đi qua thời kỳ đen tối tới ổn định và trên đà phát triển.
Ngày 26/7, ông Hun Sen tuyên bố sẽ từ chức Thủ tướng Campuchia, chấm dứt gần 4 thập kỷ nắm quyền. Con trai của ông Hun Sen là Hun Manet sẽ là thủ tướng kế nhiệm từ đầu tháng 8 tới.
Ông Hun Sen nhậm chức Thủ tướng Campuchia vào năm 1985, sau khi trải qua các chức vụ ngoại trưởng và phó thủ tướng. Theo tờ Khmer Times, dưới thời của ông Hun Sen, đất nước Campuchia đã tiến hành cải cách kinh tế - xã hội, giúp một đất nước từ con số 0 sau nội chiến chuyển sang giai đoạn phát triển như hiện nay. Ngoài ra, dưới sự dẫn dắt của ông Hun Sen, Campuchia còn thành công chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường tự do.
Tăng trưởng kinh tế
Từ năm 2012 đến năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân mỗi năm của Campuchia đạt khoảng 7%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia Đông Nam Á này có phần chững lại trong vài năm gần đây, với mức giảm 3,1% vào năm 2020 trước khi tăng lên 5,16% vào năm 2022.
Tuy vậy, Campuchia vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trong khu vực ASEAN trong những năm gần đây, theo Ngân hàng Thế giới.
Trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2018, GDP của Campuchia tăng từ 14,1 tỷ USD lên 24,6 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất là vào năm 2017 – 2018 với mức tăng 2,4 tỷ USD/năm.
GDP bình quân đầu người của Campuchia cũng tăng đều qua các năm, từ 950,9 USD vào năm 2012 lên 1.512,1 USD vào năm 2018, trung bình tăng 93,50 USD mỗi năm.
Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia (MEF) kỳ vọng nền kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng 6.6% vào năm 2024, tăng so với tốc độ tăng trưởng 5.6% được dự báo cho năm nay.
Nền kinh tế Campuchia cũng đã hồi phục khá nhanh sau đại dịch Covid-19 nhờ những chính sách đúng đắn, đơn cử như chiến lược “Sống chung với Covid-19” vào cuối năm 2021.
Ngoài ra, dưới thời ông Hun Sen, tỷ lệ thất nghiệp của Campuchia ở mức thấp. Theo Statista, tỷ lệ thất nghiệp ở Campuchia vào năm 2003 – 2007 dao động trong khoảng từ hơn 1%.
Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, tỷ lệ thất nghiệp tại Campuchia liên tục giảm, xuống chỉ còn 0,36% vào năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo tại Campuchia cũng giảm mạnh, từ 53,5% vào năm 2004 xuống còn dưới 10% trong năm 2019.
Trải qua nhiều năm, Campuchia đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp và dự kiến đạt mức thu nhập trung bình vào năm 2030, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.
Các hạng mục trọng điểm như y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất hàng dệt may của Campuchia bùng nổ, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế đất nước.
Xuất, nhập khẩu phát triển
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia nhìn chung tăng qua các năm trong giai đoạn từ năm 2000 - 2018, chủ yếu đến từ ngành may mặc, nông sản và một số mặt hàng công nghiệp. Campuchia đã xuất khẩu đến 147 quốc gia, trong đó có các thị trường trọng điểm là Mỹ, Trung Quốc, Đức, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, theo Financial Times.
Năm 2021, Campuchia đứng 69 trên thế giới về xuất khẩu với tổng giá trị 27,3 tỷ USD, thứ 61 về nhập khẩu, theo số liệu từ OCE. Vào năm 2021, Campuchia còn là nước xuất khẩu da lông thú, da thuộc lớn nhất thế giới với giá trị 471 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang các nước ASEAN đạt 2,4 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4,6 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, kim ngạch thương mại giữa Campuchia và Việt Nam trong giai đoạn này đạt 3,3 tỷ USD, trong khi đó với Thái Lan là 1 tỷ USD và Singapore là gần 800 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu từ Campuchia sang Singapore đã tăng 565% trong nửa đầu năm nay, theo thống kê của Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Campuchia đã thu hút không ít các nhà đầu tư nước ngoài. Tính từ năm 2000 đến 2018, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Campuchia tăng dần qua các năm, đặc biệt sau năm 2009.
Báo cáo của Hội đồng Phát triển Campuchia cho thấy trong năm 2022, quốc gia Đông Nam Á này đã thu hút 4.68 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 7.5% so với năm 2021.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia. Trong giai đoạn 2012-2017, Trung Quốc đã đầu tư hơn 15 tỷ USD, trong đó có tới 11 tỷ USD cho lĩnh vực năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng của Campuchia. Các lĩnh vực khác bao gồm bất động sản, du lịch, giải trí (dẫn đầu là sòng bạc).
Theo dữ liệu của hội đồng phát triển Campuchia (CDC), đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia chiếm 53,4% trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài mà Campuchia đã nhận vào năm 2020. Bất chấp đại dịch Covid-19, mức đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia đã tăng 67% vào năm 2021.
Ngoài ra, Campuchia cũng tích cực hợp tác với nhiều quốc gia khác thông qua các Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại Tự do Campuchia-Trung Quốc (CCFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Campuchia-Hàn Quốc (CKFTA) để thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong thời kỳ hội nhập.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone