'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Theo VCCI, nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ đưa ra nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, theo đó không được phân biệt đối xử với các doanh nghiệp dựa trên thành phần kinh tế, đặc biệt là trong việc tiếp cận các nguồn lực, cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, khảo sát PCI cho thấy vẫn tồn tại tình trạng bất bình đẳng giữa doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề nghiêm trọng nhất là tình trạng ưu ái, trao đặc quyền cho doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp cận đất đai.
“Đất đai là nguồn lực mà có sự phân biệt đối xử rõ ràng nhất khi trao nó cho doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước”, VCCI nhận định.
Ngoài doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh còn phải đối diện với sự bất bình đẳng trong cạnh tranh với doanh nghiệp FDI.
Mặc dù về tổng thể, mức độ phân biệt đối xử có xu hướng giảm qua các năm, nhưng tiếp cận đất đai vẫn là vấn đề có cảm nhận sự bất bình đẳng lớn nhất giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh. Điều đáng nói là tình trạng này lại không được cải thiện đáng kể.
Đặc biệt, trong mối quan hệ với doanh nghiệp sân sau/doanh nghiệp thân hữu, doanh nghiệp dân doanh chịu bất bình đẳng khá nghiêm trọng.
Theo VCCI, trong 4 năm khảo sát, cao nhất cũng chỉ có 41% doanh nghiệp cho rằng có sự ưu ái doanh nghiệp nhà nước, hay cao nhất chỉ có 49% doanh nghiệp cho rằng có sự ưu ái các doanh nghiệp FDI, thì tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng có sự ưu ái doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu chưa bao giờ dưới 70%.
“Đây là vấn đề khá nghiêm trọng và cần có nghiên cứu những giải pháp căn cơ hơn, bởi lẽ việc nhận biết và ngăn chặn những đặc quyền dành cho doanh nghiệp thân hữu khó khăn hơn rất nhiều”, VCCI bình luận.
Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh cho rằng có sự cạnh tranh không bình đẳng với
các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp thân hữu qua các năm
Một trong những nguyên tắc được nhấn mạnh của Nghị quyết 35 là các cơ quan nhà nước phải bảo đảm sự ổn định, nhất quán và dễ dự báo của chính sách.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát PCI cho thấy số doanh nghiệp dự đoán được sự thay đổi của chính sách đối với quy định pháp luật của Trung ương có xu hướng giảm trong các năm qua.
Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được thay đổi chính sách giảm từ mức 16% (năm 2014) xuống còn 5% (năm 2018). Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được nội dung chính sách tăng từ mức 42% lên mức 67% trong cùng kỳ.
“Sự suy giảm khả năng dự đoán chính sách này là xu hướng nhất quán trong 5 năm qua. Đây là một thực tế rất đáng quan ngại về môi trường đầu tư tại Việt Nam”, VCCI bình luận.
Không chỉ có sự suy giảm về khả năng dự đoán nội dung chính sách, khảo sát PCI còn chỉ ra sự suy giảm về khả năng dự đoán việc thực thi chính sách của các cơ quan nhà nước.
Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được việc thực thi các quy định pháp luật của cơ quan nhà nước giảm từ mức 9% (năm 2014) xuống mức 6% (năm 2018).
Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được việc thực thi chính sách cũng tăng từ mức 61% lên mức 67%.
“Như vậy, có sự thay đổi khá nhất quán về khả năng dự doán môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, cả về nội dung chính sách lẫn thực thi chính sách. Nguyên tắc của Nghị quyết 35 về việc các cơ quan nhà nước phải bảo đảm sự ổn đinh, nhất quán và dễ dự báo của chính sách đang gặp nhiều thách thức”, VCCI nhận xét.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.