Tiêu điểm

75 năm ngoại giao Việt Nam: Đã thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia thành viên LHQ

(VNF) - Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ); thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

75 năm ngoại giao Việt Nam: Đã thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia thành viên LHQ

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8/1945-28/8/2020), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh có bài viết “Ngoại giao Việt Nam: 75 năm đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”.

Trong bài viết, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, trong công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước sau khi chiến tranh kết thúc, ngoại giao là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong đấu tranh đưa đất nước ta thoát khỏi thế bị cô lập về chính trị, bao vây cấm vận về kinh tế.

Đồng thời, ngoại giao đã tích cực tham gia giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Việt Nam với các nước láng giềng, nước lớn, tạo ra những đột phá trong quan hệ đối ngoại của nước ta, trong đó có giải pháp cho vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn.

Trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiệm vụ đối ngoại đặt ra là tiếp tục tạo môi trường và điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Trên cơ sở kế thừa nền tảng và kinh nghiệm đối ngoại của thời kỳ trước, ngoại giao đã đi đầu, đóng vai trò tiên phong, mở đường, phát triển và đưa quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đi vào chiều sâu, mở rộng các thị trường, các lĩnh vực hợp tác mới, thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên LHQ; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Ngoại giao đã nỗ lực triển khai định hướng chiến lược tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Theo đó, ngành ngoại giao đã tham mưu cho Đảng và Chính phủ các biện pháp, bước đi chiến lược để Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng (như CPTPP, EVFTA...), qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển.

Bên cạnh đó, ngành ngoại giao đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong thúc đẩy hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, xã hội, văn hóa, khoa học - công nghệ...

Không chỉ góp phần nòng cốt trong việc tổ chức thành công nhiều trọng trách quốc tế lớn, nhất là chủ nhà của Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ (1997), ASEAN (1998, 2010, 2020), ASEM (2005), APEC (2006, 2017), ngoại giao còn chủ động, tích cực đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến, góp phần vào giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới.

Đặc biệt, ngoại giao đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội, qua đó thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, được các đối tác và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, nhất là ASEAN, ASEM, APEC và Liên Hợp quốc, G7, G20... được bạn bè, đối tác đánh giá cao.

Ngoại giao cùng với quốc phòng, an ninh đã góp phần hiệu quả vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng và công an trong công cuộc “giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy”, nhất là đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, ngoại giao ngày càng gắn kết hơn với người dân, các địa phương và các doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế thiết thực được tổ chức triển khai, góp phần mở rộng thị trường, đối tác cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, lực lượng cán bộ ngoại giao đã không ngừng lớn mạnh, từ 20 cán bộ trong những ngày đầu thành lập đã phát triển thành hàng nghìn cán bộ ngày càng chuyên nghiệp, tinh nhuệ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ. Từ chỗ chỉ có 3 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, đến nay mạng lưới các cơ quan đại diện đã tăng lên 94 cơ quan ở khắp các châu lục trên thế giới.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, cần xây dựng nền ngoại giao hiện đại cả về lực lượng, nội dung và phương thức hoạt động, trên cơ sở kế thừa truyền thống ngoại giao Việt Nam và tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh. Đồng thời ngành ngoại giao sẽ chủ động, tích cực thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, thích ứng năng động trước những chuyển biến nhanh của tình hình để hoàn thành được vai trò đặt ra đối với ngành trong giai đoạn mới.

Xem thêm >> Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ tập trận tại Hoàng Sa

Tin mới lên