Ái nữ nhà tỷ phú Nguyễn Đăng Quang ‘vung’ trăm tỷ gom cổ phiếu MSN
(VNF) - Bà Nguyễn Yến Linh có thể phải chi khoảng 791 tỷ đồng để gom hết 10 triệu cổ phiếu MSN đăng ký mua.
Bà Nguyễn Yến Linh, con gái của ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) vừa đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu MSN. Thời gian giao dịch từ ngày 29/10 đến ngày 18/11, theo phương thức thoả thuận và/hoặc khớp lệnh qua sàn.
Được biết, hiện bà Nguyễn Yến Linh chưa sở hữu bất kỳ cổ phần nào của Masan. Những người nội bộ của Masan có liên quan đến bà Linh bao gồm ông Nguyễn Đăng Quang (bố), bà Nguyễn Hoàng Yến (mẹ), nắm giữ lần lượt 18 cổ phiếu MSN và gần 50,9 triệu cổ phiếu MSN (3,36% vốn).
Nếu hoàn tất giao dịch trên, bà Linh sẽ chính thức trở thành cổ đông của doanh nghiệp, nắm giữ 0,66% vốn. Bà và những người nội bộ có liên quan sẽ nâng số lượng nắm giữ lên gần 60,9 triệu cổ phiếu MSN, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,02%.
Tại Masan, 3 cổ đông lớn nhất đều là các tổ chức, bao gồm Công ty Cổ phần Masan, Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương và SK Investment Vina I Pte Ltd, lần lượt nắm giữ 31,19%, 13,21% và 9,22% vốn.
Quay lại giao dịch của bà Nguyễn Yến Linh, tạm tính theo thị giá của cổ phiếu MSN trên thị trường chứng khoán (79.100 đồng/cổ phiếu – giá mở cửa phiên 25/10), số tiền mà bà dự kiến phải trích hầu bao để hoàn tất giao dịch là 791 tỷ đồng.
Ái nữ nhà tỷ phú Nguyễn Đăng Quang gom cổ phiếu MSN trong bối cảnh thị giá của cổ phiếu này đang trên đà phục hồi sau khi để mất vùng giá đỉnh trên 100.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2023.
Theo đó, sau khi tuột khỏi vùng giá cao, MSN đã rơi về đáy 3 năm trong giai đoạn cuối tháng 10/2023, ghi nhận 57.800 đồng/cổ phiếu trong phiên 27/10/2023. Kể từ đó, MSN đã liên tục có những đà tăng giúp MSN phục hồi tương đối trong năm 2024.
Kể từ đầu năm, thị giá của MSN đã tăng khoảng 16%. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo giá trị hợp lý của MSN trong năm 2025 là 100.700 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 35% so với cùng giá 74.400 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị nhà đầu tư mua mạnh đối với cổ phiếu này.
BSC đã đưa ra nhiều quan điểm để củng cố cho khuyến nghị này, trong đó bao gồm diễn biến tích cực từ kết quả kinh doanh, cũng như nỗ lực giảm tỷ lệ đòn bẩy của Masan.
Theo những số liệu mới nhất từ báo cáo tài chính quý III, doanh thu thuần của Masan ghi nhận 21.487 tỷ đồng, tăng 6,6% so với mức 20.155 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. EBITDA đạt 4.233 tỷ đồng, tăng 13,2%. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Post-MI) đạt 701 tỷ đồng, tăng mạnh 1.349,2% so với quý III/2023.
Đáng chú ý, Masan cho biết WinCommerce và Masan MEATLife đã đạt lợi nhuận sau thuế dương trong quý III vừa qua, được cho là động lực then chốt giúp tối đa hoá giá trị cho cổ đông.
Luỹ kế 9 tháng, Masan đã đạt được 2.726 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Pre-MI) và 1.308 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Post-MI), hoàn thành 130,8% kế hoạch lợi nhuận sau thuế kịch bản cơ sở được cổ đông phê duyệt vào đầu năm.
Về tỷ lệ đòn bẩy, theo thông tin mới nhất từ Masan, tỷ lệ nợ ròng/ EBITDA 12 tháng gần nhất ở mức 3,4x, thấp hơn so với 3,9x của quý IV/2023 - đạt mục tiêu nợ ròng/EBITDA dưới mức 3,5x, nhờ vào sự cải thiện của dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và dòng vốn từ các hoạt động tài trợ vốn của doanh nghiệp.
Tính đến cuối quý III, tổng nợ phải trả của Masan đạt mức 113.000 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính và phát hành trái phiếu chiếm hơn 65.700 tỷ đồng, giảm gần 4.000 tỷ đồng sau 9 tháng.
Thương vụ M&A với Mitsubishi sắp xong, Masan có thêm 30 triệu USD để trả nợ
- Masan Consumer muốn phát hành cổ phiếu giá 10.000 đồng 02/10/2024 01:55
- Masan Consumer chuẩn bị ‘chuyển nhà’ sang HoSE 02/10/2024 01:51
- Sếp Masan: 'Thủ tục niêm yết IPO còn phức tạp, chưa theo thông lệ quốc tế' 21/09/2024 01:47
Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.