Ấn Độ - Trung Quốc: Cuộc đua giữa 2 quốc gia tỷ dân
Quang Đăng -
02/04/2024 13:14 (GMT+7)
(VNF) - Trong khi những nghi ngờ về tăng trưởng của Trung Quốc vẫn còn lan rộng, nền kinh tế Ấn Độ vẫn chậm rãi tiến lên phía trước và đang dần rút ngắn khoảng cách.
Nỗ lực vượt bậc
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, tại thời điểm cuối tháng 4/2023, dân số Ấn Độ vượt 1,428 tỷ người, cao hơn mức 1,425 tỷ người của Trung Quốc biến nước này trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Cùng là những quốc gia tỷ dân, trong khi Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ chi tiêu công và lĩnh vực dịch thì khi Trung Quốc đang chật vật phục hồi hậu đại dịch Covid-19.
Gần như mọi tổ chức quốc tế lớn đều phát đi tín hiệu rằng Trung Quốc có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đến Ngân hàng Thế giới (WB) cho đến người phát ngôn của các công ty tài chính lớn nhất thế giới như HSBC, Nomura, và JP Morgan Chase.
Nhưng với Ấn Độ thì ngược lại, các thước đo về thành quả kinh tế gần đây nhất của Ấn Độ thực sự ấn tượng. Chúng cho thấy mức tăng trưởng kinh tế thực tế là 8,4% trong cả năm 2023, tăng tốc so với mức 8,1% được ghi nhận trong 4 quý kết thúc vào quý III năm ngoái.
Ấn Độ rõ ràng còn một chặng đường dài để bắt kịp quy mô tổng thể của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng những bức tranh tăng trưởng khác biệt thời gian gần đây đã cho thấy những nỗ lực vượt bậc của Ấn Độ.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ, doanh số bán ô tô trong tháng 1 của nước này cao hơn khoảng 37,3% so với cùng kỳ năm trước. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng thực tế của Ấn Độ trong năm 2024 lên mức thận trọng là 6,5%, trong khi Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đưa ra dự báo lên tới 7,6%.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn là vấn đề đáng lưu tâm của Ấn Độ khi ở mức 5%. Dù vậy, đây không phải con số quá cao. Trong bất kỳ trường hợp nào, lạm phát quá cao được cho là vẫn tốt hơn vấn đề giảm phát của Trung Quốc. Lạm phát ít nhất là một động lực thúc đẩy tăng trưởng nhưng giảm phát làm chậm tăng trưởng bằng cách khiến người dân và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu và đầu tư với hy vọng giá cả sẽ thấp hơn trong tương lai.
Tiếp tục tăng tốc
Các chuyên gia đều thống nhất rằng có nhiều yếu tố giúp thúc đẩy kinh tế Ấn Độ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Đầu tiên, GDP bình quân đầu người của nước này hiện chỉ bằng 20% của Trung Quốc và 5% của Mỹ nên tiềm năng tăng trưởng là rất lớn.
Ấn Độ cũng được hưởng lợi thế từ dân số trẻ và đông. Khi các công ty đa quốc gia đang chuyển sang chiến lược “Trung Quốc +1”, Ấn Độ có tỷ lệ cao sẽ trở thành nước “+1” nhờ sở hữu thị trường lớn nhất trong số các đối thủ cạnh tranh tiềm năng.
Theo một số nhà kinh tế, tăng trưởng của Ấn Độ sẽ tăng tốc trong những năm tới nhờ lực đẩy của tiêu dùng, đầu tư đến từ cả doanh nghiệp trong, ngoài nước và xuất khẩu.
Kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tăng mạnh chi tiêu của chính phủ cho cơ sở hạ tầng và đưa ra các ưu đãi thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất điện thoại, thiết bị điện tử, máy bay không người lái và chất bán dẫn...
Chương trình "Make in India" của ông Modi, cùng với việc nhiều công ty đang tìm cách rời Trung Quốc, sẽ thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ hơn nữa. Ngoài ra, sự tăng trưởng dân số nhanh chóng sẽ thúc đẩy mảng dịch vụ.
Theo ước tính của Bộ Tài chính Ấn Độ vào cuối tháng 1/2024, kinh tế nước này sẽ bùng nổ trong những năm tới, với GDP đạt 5.000 tỷ USD vào năm 2028, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Đánh giá của IMF mới đây cũng cho rằng Ấn Độ sẽ là điểm sáng của kinh tế châu Á với tăng trưởng ổn định ở mốc 6,5% trong năm 2024 và 2025.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone