Ba cốt lõi của chuyển đổi số: Công nghệ số, nhân tài số và văn hóa số

Khánh Tú - 09/11/2023 07:11 (GMT+7)

(VNF) - Các doanh nghiệp cần tập trung cho 3 cốt lõi, bao gồm công nghệ số, nhân tài số và văn hóa số. Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp cần phải xác định giá trị cốt lõi, từ đó đề ra hướng đi hợp lý trong tương lai cũng như tạo ra môi trường tốt nhằm giữ chân nhân tài.

VNF
Giáo sư David Rogers.

Đây là điều được Giáo sư David Rogers trao đổi với các lãnh đạo DN Việt Nam tại Hội thảo Quốc tế Digitalize to Revolutionize – Định hình kinh tế số tương lai do Ngân hàng MB tổ chức.

Giáo sư cho rằng “Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi để phát triển các doanh nghiệp một cách hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số. Từ các công ty công nghệ đến các công ty truyền thống đều phải đối mặt với thách thức chuyển đổi số”.

Theo ông, lộ trình chuyển đổi số gồm 5 bước, xác định tầm nhìn chung; lựa chọn những vấn đề quan trọng nhất; kiểm chứng các thử nghiệm mới; quản lý tăng trưởng quy mô lớn; không ngừng tăng trưởng về năng lực.

Các doanh nghiệp cần định hướng tương lai, hình dung ra sự tác động của doanh nghiệp tới xã hội và cộng đồng nói chung. Song song với đó, vấn đề thu hồi khoản đầu tư cho quá trình chuyển đổi số cũng là vấn đề không thể không chú ý tới.

Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là chuyển đổi về công nghệ. ChatGPT, Metaverse... đều chỉ là công cụ để giúp các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu của mình. Không chỉ đổi mới về công nghệ, “để thành công, các doanh nghiệp cần không ngừng theo đuổi và phát hiện ra những vấn đề cần giải quyết của khách hàng, công việc kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã thành công nhờ tìm cách giải quyết các nhu cầu của khách hàng, qua đó thiết lập vị thế đi trước trên thị trường”, ông nhận định.

Áp dụng các thử nghiệm mới trong quá trình chuyển đổi số cũng là chìa khóa dẫn đến sự thành công của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thay vì ngay lập tức tập trung vào các kế hoạch tốn kém và dễ thất bại, các doanh nghiệp nên bắt đầu từ những thử nghiệm nhỏ, giáo sư David nói.

"Các nhà khoa học cũng thường bắt đầu bằng các giả thuyết chứ không khởi đầu bằng kế hoạch. Chúng ta cũng nên tập thói quen không ngừng thử nghiệm nhỏ để rút ra bài học, từ đó dẫn tới thành công”, ông David kết luận từ những thành công lẫn thất bại của các “ông lớn” liên quan tới chuyển đổi số như CNN, Walmart…

Quản trị cũng là phần không thể bỏ qua, trong đó cần nhấn mạnh vào việc quản lý tăng trưởng. “Chuyển đổi số phải bắt đầu một cách toàn diện, từ các cấp thấp nhất cho tới lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn và tổ chức”, ông nói.

Cuối cùng, để phát triển năng lực, vị chuyên gia này cho rằng các doanh nghiệp cần tập trung cho 3 cốt lõi, bao gồm công nghệ số, nhân tài số và văn hóa số. Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp cần phải xác định giá trị cốt lõi, từ đó đề ra hướng đi hợp lý trong tương lai cũng như tạo ra môi trường tốt nhằm giữ chân nhân tài.

Ông David Rogers là chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi kỹ thuật số, giảng viên tại Trường Kinh doanh Columbia và là tác giả của 5 cuốn sách nổi tiếng về chuyển đổi số. 

Ông đã giúp các công ty trên khắp thế giới chuyển đổi hoạt động kinh doanh của họ trong thời đại kỹ thuật số, làm việc với các lãnh đạo cấp cao tại các tập đoàn bao gồm Google, Microsoft, Citigroup, Visa, HSBC, Unilever, Procter & Gamble, Merck, GE, Toyota, Cartier, Pernod Ricard, và Acuity Insurance, cùng nhiều hãng khác.

Ông cũng đưa ra các bài phát biểu quan trọng tại các hội nghị ở cả sáu châu lục và đã xuất hiện trên CNN, ABC News, CNBC, Channel News Asia, The New York Times, The Financial Times, The Wall Street Journal và The Economist.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.