Bắc Giang xin Trung ương 1.330 tỷ làm đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô
Chí Bình -
23/05/2021 16:46 (GMT+7)
(VNF) - UBND tỉnh Bắc Giang muốn Trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí để đầu tư dự án Vành đai 5 – vùng Thủ đô đoạn qua tỉnh Bắc Giang với chiều dài khoảng 13,7km.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để đầu tư dự án đường Vành đai 5 – vùng Thủ đô qua địa phương này.
Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong giai đoạn 2011-2025 quan tâm, hỗ trợ tỉnh từ nguồn ngân sách Trung ương số vốn là 1.330 tỷ đồng để triển khai dự án đường Vành đai 5 - vùng thủ đô trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô (trên địa bàn tỉnh Bắc Giang) sẽ góp phần hình thành trục giao thông kết nối ngang rất quan trọng kết nối trực tiếp đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cũng như tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với cao tốc Nội Bài - Hạ Long (trong tương lai).
Bên cạnh đó, tuyến đường được đầu tư sẽ tạo không gian phát triển mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp cho các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.
Tuyến đường hoàn thành cũng sẽ là tuyến đường huyết mạch của tỉnh Bắc Giang, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các huyện trong vùng và của tỉnh.
Tuy nhiên, căn cứ theo nhu cầu vận tải thực tế hiện nay và khả năng cân đối nguồn vốn trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bắc Giang đề xuất Trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí để đầu tư đoạn Vành đai 5 – vùng Thủ đô trên địa bàn với chiều dài khoảng 13,7km (bao gồm cả cầu vượt sông Lục Nam).
Theo tính toán, chi phí đầu tư dự án đường Vành đai 5 – vùng Thủ đô đoạn qua tỉnh Bắc Giang hết khoảng 1.330 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 882 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 188 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi khác là 102 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 158 tỷ đồng.
Liên quan đến dự án này, trước đó, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải trên cơ sở quy hoạch được duyệt, đầu tư xây dựng đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Hòa Bình dài 35,4km theo quy mô đường cao tốc 6 làn xe với chiều rộng nền đường 33m với tổng mức đầu tư khoảng 7.800 tỷ đồng (suất đầu tư dự kiến là 220 tỷ đồng/1km bao gồm cả GPMB).
Theo UBND tỉnh Hòa Bình, do hiện nay tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai đầu tư các tuyến đường trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hoà Bình - Mộc Châu); đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình giai đoạn 2; dự án xây dựng và nâng cấp hạ tầng du lịch tỉnh Hòa Bình… nên việc giao tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư tuyến đường Vành đai 5 là hết sức khó khăn.
Bên cạnh đó, với nguồn vốn đầu tư xây dựng lớn, nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp, chưa thu hút được nguồn lực để đầu tư nên tỉnh Hòa Bình cũng chưa lập được dự án đầu tư Vành đai 5 - vùng Thủ đô để triển khai thực hiện.
Theo quy hoạch chi tiết đường vành đai 5 - vùng thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, đường Vành đai 5 quy hoạch đi qua địa giới hành chính của 8 tỉnh, thành phố gồm: TP. Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc với tổng chiều dài 331km.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone