Bách hoá Xanh có lãi đẩy MWG lên đỉnh, vốn hoá vượt 100.000 tỷ đồng
(VNF) - So với mức đáy hồi tháng 11/2023, thị giá MWG đã tăng gấp đôi, đưa mức vốn hoá của doanh nghiệp vượt mốc 100.000 tỷ đồng.
Vốn hoá vượt 100.000 tỷ đồng
Liên tục có những diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) đã tăng khoảng 64% kể từ đầu năm tới nay, từ mức giá 42.110 đồng/cổ phiếu của phiên đầu năm (giá điều chỉnh) lên mức 69.000 đồng/cổ phiếu của phiên 17/8.
Đây cũng là mức đỉnh của MWG trong vòng 2 năm trở lại đây. Để leo lên mức đỉnh này, MWG đã trải qua không ít phiên điều chỉnh, tuy nhiên sức bật sau mỗi phiên điều chỉnh đều mạnh mẽ hơn, giúp MWG duy trì đà tăng kể từ đầu năm.
Năm 2023, cổ phiếu MWG được chính ban lãnh đạo doanh nghiệp nhận định rằng không đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư. Trong tháng cận cuối năm, MWG rơi xuống vùng đáy chỉ còn 34.820 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh phiên 1/11/2023).
Nếu so với mức giá này, thị giá hiện tại của MWG đã tăng gấp đôi trong khoảng 9 tháng. Đà tăng này đã đưa vốn hoá của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán vượt mốc 100.000 tỷ đồng, xấp xỉ 4 tỷ USD.
Dù không phải lần đầu chạm đến những mốc vốn hoá kỷ lục, sự trở lại vùng đỉnh của MWG cũng đem lại nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư, bao gồm cả khối ngoại. Số liệu cho thấy trong vòng 6 phiên trở lại đây, khối ngoại đã liên tục mua ròng cổ phiếu MWG, giá trị mua ròng có lúc lên tới hơn trăm tỷ đồng mỗi phiên.
Các chuyên gia cho rằng việc Bách hoá Xanh có lãi trong quý II vừa qua đã trở thành động lực tăng trưởng chính cho MWG trong thời gian và sẽ tiếp tục là động lực trong nửa cuối năm cũng như những năm tới.
Theo đó, Công ty Chứng khoán SSI dự báo MWG có thể tăng thêm 15,5% từ vùng giá 65.800 đồng/cổ phiếu lên 76.000 đồng/cổ phiếu. Tích cực hơn, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo MWG có thể tăng thêm 23% từ vùng giá 66.700 đồng/cổ phiếu lên 82.556 đồng/cổ phiếu.
Được biết, ngay từ những tháng đầu năm 2024, MWG đã lên kế hoạch dành 100 tỷ đồng mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp làm cổ phiếu quỹ. Thông thường, việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của chính mình để nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông khi giá cổ phiếu có những diễn biến xấu, không phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp.
Với những diễn biến tích cực của cổ phiếu MWG, nhiều nhà đầu tư cho rằng kế hoạch mua lại cổ phiếu của MWG có thể bị hoãn lại, thậm chí huỷ bỏ như 1 số doanh nghiệp đã từng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo MWG cho biết việc mua lại cổ phiếu đối với doanh nghiệp này không phải công cụ để “đỡ giá” cổ phiếu mà là chiến lược nhằm tăng tỷ lệ sở hữu cho cổ đông hiện hữu, qua đó mang lại giá trị cho cổ đông.
“Chúng tôi sẽ dành ra một tỷ lệ lợi nhuận nhất định dùng cho hoạt động này, bất chấp giá cổ phiếu lên cao hay xuống rất thấp. Việc mua cổ phiếu quỹ sẽ vẫn được thực thi”, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG khẳng định.
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ban lãnh đạo cũng cho biết biết đang chờ phê duyệt chương trình mua lại cổ phiếu.
Bách hoá Xanh tiếp tục lãi, An Khang sẽ đóng 300 cửa hàng
Sau khi có lãi trong quý II vừa qua, MWG kỳ vọng Bách hoá Xanh sẽ tiếp tục đem về lợi nhuận dương trong nửa cuối năm 2024. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục tập trung vào việc tối ưu hóa các chi phí cửa hàng và logistics để duy trì và tăng khả năng cải thiện biên lợi nhuận. Được biết, tiến trình tối ưu hóa chi phí cửa hàng đã hoàn thành 60 - 70% mục tiêu, trong khi việc tối ưu hóa trung tâm phân phối nhìn chung đã đáp ứng được các mục tiêu của MWG.
Nửa cuối năm 2024, Bách hoá Xanh lên kế hoạch mở thêm 50 - 100 cửa hàng mới. MWG cho biết khoảng 50% số cửa hàng mới mở gần đây đã đạt mốc hòa vốn ngay sau khi khai trương, các cửa hàng còn lại đạt mốc này trong vòng 3 tháng.
Tại TP. HCM, doanh thu/cửa hàng duy trì ở mức cao hơn so với các khu vực khác. Các cửa hàng ở ngoại thành TP. HCM đạt được mức doanh thu tương đương 80 - 90% mức doanh thu được ghi nhận trong khu vực nội thành.
Ngoài ra, ban lãnh đạo MWG cũng tiết lộ về kế hoạch tăng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho Bách hoá Xanh để mở rộng số lượng cửa hàng trong năm 2025; tuy nhiên kế hoạch chi tiết bao gồm số lượng cửa hàng và khu vực sẽ mở cửa hàng vẫn chưa chốt.
Theo dự báo của SSI, trong giai đoạn 2024-2025, doanh thu/cửa hàng mỗi tháng của Bách hoá Xanh sẽ đạt 1,95 – 2,1 tỷ đồng, lợi nhuận ròng lần lượt đạt 228 tỷ đồng và 668 tỷ đồng, khả quan hơn khoản lỗ 1.200 tỷ đồng trong năm 2023.
Với chuỗi nhà thuốc An Khang, MWG hiện đang thực hiện tái cơ cấu cho chuỗi dược phẩm này, tập trung vào việc đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả với mục tiêu đóng cửa 300 cửa hàng vào cuối năm 2024. Doanh số/cửa hàng đạt 500 triệu đồng trong quý II/2024; mục tiêu hòa vốn ở mức 550 triệu đồng/cửa hàng mỗi tháng.
Số liệu của SSI cho thấy từ đầu năm đến nay, MWG đã đóng cửa 139 nhà thuốc (tương đương khoảng 25% tổng số nhà thuốc). Chuỗi dược phẩm này có thể phải chịu khoản lỗ lần lượt là 339 tỷ đồng và 243 tỷ đồng trong năm 2024-2025. Theo SSI, việc đóng cửa các nhà thuốc An Khang sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng của MWG.
Với chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh, thị trường ICT và CE trong nửa đầu năm có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên lợi nhuận của 2 chuỗi bán lẻ này vẫn được cải thiện thông qua việc đàm phán với các nhà cung cấp tốt hơn và hỗ trợ từ các thương hiệu. Ngoài ra, các nỗ lực tái cơ cấu nhằm tinh giản bộ máy và đóng cửa các cửa hàng có kết quả kinh doanh kém đã góp phần giảm bớt chi phí hoạt động.
Nửa cuối năm 2024, MWG cho biết sẽ tập trung cải thiện biên lợi nhuận thông qua tối ưu hóa giá vốn hàng bán, ra mắt các sản phẩm độc quyền, và kiểm soát chi phí hoạt động. Kế hoạch đóng cửa các cửa hàng đã hoàn tất trong tháng 8/2024.
Nghịch cảnh FRT - MWG: Số phận 2 chuỗi nhà thuốc Long Châu và An Khang
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone