Băng tần 'vàng' đắt như 'đất vàng': Sử dụng 15 năm thấp nhất 4.000 tỷ đồng

Ngọc Lưu - 18/01/2024 14:38 (GMT+7)

(VNF) - Băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz cho công nghệ 5G được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra mức giá khởi điểm từ 1.956 tỷ đồng.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành quyết định phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz để triển khai mạng di động 5G.

Băng tần “vàng” có giá khởi điểm gần 4.000 tỷ

Theo đó, phương án tổ chức đấu giá bao gồm các nội dung chính về điều kiện sử dụng băng tần, thời hạn giấy phép, yêu cầu cam kết triển khai mạng viễn thông, giá khởi điểm, bước giá và tiền đặt trước.

Có 3 khối băng tần được đưa ra đấu giá, mỗi khối có độ rộng 100 MHz. Mỗi doanh nghiệp chỉ được phép trúng tối đa 1 khối băng tần. Như vậy sẽ có 3 doanh nghiệp có thể có băng tần qua đấu giá để triển khai 5G.

Giá khởi điểm được xác định theo quy định của Nghị định 63 cho khối băng tần 2500-2600 MHz cho 15 năm sử dụng là: 3.983.257.500.000 đồng. Riêng doanh nghiệp đấu giá trúng băng tần 2500-2600 MHz có thể sử dụng để triển khai thêm 4G.

Giá khởi điểm của khối băng tần từ 3700 MHz đến 3800 MHz cho 15 năm sử dụng là 1.956.892.500.000 đồng; giá khởi điểm của khối băng tần từ 3800 MHz đến 3900 MHz cho 15 năm sử dụng là 1.956.892.500.000 đồng.

Có 3 khối băng tần 5G được đưa ra đấu giá, mỗi khối có độ rộng 100 MHz

Khối băng tần 2500-2600 MHz sẽ được đấu giá trước, sau đó đến khối băng tần 3800 MHz đến 3900 MHz và cuối cùng là khổi băng tần 3700 MHz đến 3800 MHz.

Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt kết quả trúng đấu giá, doanh nghiệp trúng đấu giá phải nộp một lần tối thiểu 50% số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Trong thời hạn 30 tháng kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt kết quả trúng đấu giá, doanh nghiệp trúng đấu giá phải nộp tiếp một lần tối thiểu 50% số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện còn lại, cộng với số tiền lãi tính theo quy định.

Trong thời hạn 60 tháng kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt kết quả trúng đấu giá, tổ chức trúng đấu giá phải nộp tiếp một lần toàn bộ số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện còn lại, cộng với số tiền lãi tính theo quy định.

Sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần 2500-2600 MHz, doanh nghiệp cam kết triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G sử dụng băng tần 2500-2600 MHz. Doanh nghiệp phải cam kết chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 2500-2600 MHz muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần này.

Tại thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 2500-2600 MHz, doanh nghiệp phải triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện đã cam kết triển khai trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần 2500-2600 MHz.

Sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần 3700-3800 MHz hoặc băng tần 3800-3900 MHz, doanh nghiệp phải cam kết triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G sử dụng băng tần trúng đấu giá tương ứng. Doanh nghiệp phải cam kết chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 3700-3800 MHz hoặc băng tần 3800-3900 MHz muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần trúng đấu giá tương ứng.

Tại thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 3700-3800 MHz hoặc băng tần 3800-3900 MHz, doanh nghiệp phải triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện đã cam kết triển khai trong 02 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần trúng đấu giá tương ứng.

Nhà mạng đã sẵn sàng

Tại một toạ đàm vào tháng 12 năm ngoái, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam nhấn mạnh ông nghệ 5G đang là xu hướng tất yếu của thông tin di động thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này. Việc chọn thời điểm năm 2024 để Việt Nam thương mại hoá 5G là rất phù hợp, không đi đầu nhưng cũng không quá muộn.

Chọn thời điểm năm 2024 để Việt Nam thương mại hoá 5G là rất phù hợp.

Theo ông Hoan, để thương mại hoá 5G, việc đầu tiên Nhà nước cần làm là cấp phép sử dụng băng tần chính thức cho các doanh nghiệp để thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ. Cấp phép băng tần 5G phải thực hiện bằng hình thức đấu giá tần số. Mục tiêu quan trọng nhất là minh bạch quy trình để cấp phép sử dụng cho những doanh nghiệp đủ năng lực sử dụng hiệu quả tài nguyên quý hiếm này, đảm bảo cho thị trường thông tin di động phát triển tốt và cạnh tranh lành mạnh.

Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực thì đánh giá phát triển 5G không chỉ mang đến cơ hội mà còn đi kèm những thách thức. Đầu tư cho 5G đòi hỏi nguồn vốn lớn và còn liên quan đến cơ chế đầu tư, cơ chế hoạt động của doanh nghiệp. 

"Vấn đề triển khai không phải ở công nghệ mà nằm ở bài toán kinh doanh và quản trị hệ 5G sao cho hiệu quả", ông Mai Liêm Trực nói và đánh giá năm 2024, thị trường đã tương đối sẵn sàng cho 5G, ít nhất là khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực y tế, dầu khí, giao thông, thành phố thông minh.

Về phía các nhà mạng, họ cũng đều bày tỏ mong muốn triển khai đấu giá tần số cho 5G càng sớm càng tốt. "5G sẽ thúc đẩy xã hội số, kinh tế số, chính phủ số. Không có lý do gì không tận dụng các lợi ích 5G mang lại", đại diện Viettel nhấn mạnh.

Với VNPT, nhà mạng này cho rằng thời điểm hiện tại khi cân đối các yếu tố về thị trường, đầu tư phát triển, việc triển khai thương mại hóa 5G ở Việt Nam đã bắt đầu có hiệu quả. Do vậy, VNPT cũng bày tỏ mong muốn cần thúc đẩy sớm việc thương mại hóa 5G.

Có cùng chung nhận định, tuy vậy, nhà mạng MobiFone muốn thúc đẩy việc sử dụng chung hạ tầng mạng 5G nhằm rút ngắn thời gian, khối lượng đầu tư và giảm thiểu rủi ro cho các nhà mạng.

Cùng chuyên mục
Tin khác