Bão Yagi đẩy nợ xấu tăng, ngân hàng hỗ trợ DN để 'cứu' chính mình
Khánh Tú -
16/09/2024 08:15 (GMT+7)
(VNF) - Ngành ngân hàng đang phải đối diện với rủi ro nợ xấu tăng cao trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.
Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, ước tính sơ bộ cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng bị ảnh hưởng nặng bề bởi cơn bão này.
Còn theo báo cáo của NHNN, sơ bộ tại 20/26 tỉnh, thành phố, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng là khoảng 80.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn. Trong đó, chỉ tính riêng tại Quảng Ninh và Hải Phòng, có tới 11,7 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 23,1 nghìn tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng chịu tổn thất nặng nề về tài sản. Mức tổn thất ước tính tại các nhà máy ít nhất khoảng 300 - 400 triệu đồng. Thậm chí, cũng có nơi tổn thất gần 100 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia nhận định, nợ xấu của các ngân hàng, vốn đã ở mức báo động, sẽ tiếp tục tăng mạnh sau cơn bão Yagi do nhiều khách hàng vay vốn bị thiệt hại nặng nề, thậm chí là mất khả năng chi trả.
Trước đó, theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 6/2024, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã tăng tới 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, số dư nợ xấu tại 29 ngân hàng đã tăng thêm 20,8%, tương ứng với 46.719 tỷ đồng, đạt 271.461 tỷ đồng. Cùng chiều với số dư nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm đã tăng 0,24% so với cuối năm 2023, đạt 2,17%.
Song, nhiều chuyên gia nhận định, để tránh rủi ro nợ xấu ngày càng tăng, ngành ngân hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính - Học viện Tài chính, việc các ngân hàng thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ thể hiện được tinh thần đôi bên cùng có lợi, bởi nếu doanh nghiệp không thể khôi phục sản xuất thì sẽ mất khả năng thanh toán, từ đó gia tăng nợ xấu.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định rằng, để người dân, doanh nghiệp có nguồn tiền hoàn trả lại ngân hàng thì trách nhiệm của ngành ngân hàng là chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, đưa ra hỗ trợ trong vấn đề vay vốn để người dân có cơ hội làm ăn, sản xuất lại.
Để kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.
Trên thực tế, tính đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều ưu đãi, cụ thể là giảm lãi suất đối với các khoản vay cho khách hàng.
Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ngân hàng đã xem xét giảm lãi suất 0,5 điểm % trong giai đoạn từ ngày 6/9 đến ngày 31/12 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh. Dư nợ giảm lãi suất khoảng 130.000 tỷ đồng và số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng quyết định giảm 1-2 điểm % lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại trực tiếp từ thiên tai. Đồng thời, ACB cũng áp dụng mức lãi suất 6% cho khoản vay mới hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất - kinh doanh sau bão.
Ngân hàngTPBank mới đây cũng đã công bố chính sách giảm tối đa 50% số tiền lãi hiện tại cho khách hàng cá nhân tại các tỉnh thành phía Bắc bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, đồng thời giữ cố định mức lãi suất giảm này đến 31/1/2025 với hạn mức khoảng 2.000 tỷ đồng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.